Báo cáo Kết quả hoạt động năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024 của Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội
19/01/2024
Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội (Hội đồng tư vấn) được thành lập theo Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 23/7/2007 của UBND Thành phố. Trải qua 07 lần kiện toàn, đến nay, Hội đồng tư vấn gồm có 27 thành viên với Chủ tịch Hội đồng là Đồng chí Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND Thành phố, 13 nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, bảo tồn và các cơ quan quản lý di sản (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục di sản văn hóa), các sở, ban, ngành Thành phố;
Ngay sau khi thành lập, Hội đồng đã có những đóng góp to lớn trong việc hoàn thành hồ sơ đề cử để UNESCO công nhận Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, Hội đồng tư vấn đã tích cực tham mưu, giúp UBND Thành phố và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa, cụ thể là:
Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long: Tư vấn thực hiện nghiêm túc 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới bao gồm: Tiếp tục công tác khai quật, thám sát khảo cổ học; Xây dựng Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội tỷ lệ 1/500 (đã được phê duyệt năm 2015); Thống nhất quản lý khu di sản; Thực hiện các biện pháp đảm bảo sự an toàn của khu di sản trong quá trình thi công xây dựng Nhà Quốc hội; Phê duyệt kế hoạch quản lý khu di sản; Thực hiện chương trình giám sát chi tiết trong kế hoạch quản lý, phù hợp định hướng chung đề ra trong hồ sơ đề cử; Triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ Trung tâm; Triển khai bán vé tham quan di sản góp phần quản lý và giám sát tốt hơn lượng khách tham quan và đặc biệt tư vấn và tham gia xây dựng nội dung Báo cáo tình trạng bảo tồn khu di sản Hoàng Thành Thăng Long;
Tại Khu di tích Cổ Loa: Tư vấn xây dựng Hồ sơ đệ trình Khu di tích Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012; Xây dựng Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa tỉ lệ 1/2000 (được phê duyệt năm 2015); Tổ chức long trọng Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 – 2019); Tư vấn khảo cổ học, lễ hội và vị trí xây dựng di tích tưởng niệm nhằm tôn vinh Ngô Quyền – vị Tổ Trung hưng của đất nước;
Năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 48/KH-TTHN ngày 01/2/2023 về Hoạt động của Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Hội đồng tư vấn đã tham mưu giúp UBND Thành phố và Trung tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng với kết quả như sau:
I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NĂM 2023
Trong năm 2023, Hội đồng đã hoạt động tích cực dưới nhiều hình thức: 01 lần họp phiên toàn thể, 18 lần họp nhóm và nhiều lần góp ý chuyên gia để kịp thời tư vấn giúp Thành phố và Trung tâm triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản, cụ thể như sau:
– Tổ chức đón tiếp và làm việc với ông Lazare Eloundou Assomo – Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; đoàn công tác liên ngành của Trung tâm di sản thế giới, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS); TS. Gamini Wijesuriya – Kiến trúc sư, nhà khảo cổ học, chuyên gia cố vấn của UNESCO để tư vấn, hỗ trợ kế hoạch, lộ trình triển khai trong năm 2023 đối với Hồ sơ khoa học của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
– Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” (tháng 3/2023).
– Tọa đàm khoa học quốc tế “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long” (tháng 4/2023).
– Kế hoạch khai quật khảo cổ học năm 2023; tư vấn xây dựng Hồ sơ khoa học, báo cáo tình trạng bảo tồn của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; chọn hiện vật của Hoàng thành Thăng Long và Cổ Loa lập hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia năm 2023; Tham gia ý kiến đối với kết quả khai quật khảo cổ học tại khu vực dự kiến xây dựng Đền thờ Ngô Quyền; Kế hoạch quản lý di sản Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội và chương trình hành động giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030 và tầm nhìn 2045; Khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023…
1.1 Tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa
* Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông – Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 1.000m2 tại 3 vị trí; Cục Tác Chiến, nền điện Kính Thiên và Hậu Lâu. Công tác khai quật đã đạt được những kết quả rất khả quan trong việc xác định dấu tích của điện Kính Thiên. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên và chính điện Kính Thiên
* Khu di tích Cổ Loa:
Thực hiện Thông báo Kết luận số 1155-TB/TU ngày 12/5/2023 của Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa tại Hội nghị giao ban Quý I/2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 về việc sớm công bố kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực dự kiến xây dựng Đền thờ Đức vua Ngô Quyền. UBND huyện Đông Anh phối hợp với Viện Khảo cổ đã tiến hành khai quật bổ sung tại khu vực dự kiến xây dựng Đền thờ Đức vua Ngô Quyền, thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Hiện các đơn vị đang phối hợp hoàn thiện báo cáo kết quả khai quật.
1.2 Đảm bảo sự thống nhất quản lý khu di sản về di tích và di vật
– Về di tích: Hoàn thành tiếp nhận bàn gia khu vực Trạm xăng dầu tại đường Nguyễn Tri Phương với Cục Hậu cần/Bộ Tổng Tham mưu trước ngày 31/12/2023; phối hợp, tạo điều kiện để Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam di chuyển hiện vật sang Bảo tàng mới.
+ Phối hợp với UBND Quận Ba Đình, Sở Xây dựng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB các hộ gia đình tại 28 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, đến nay, 5/7 hộ dân đã nhận tiền bồi thường GPMB và ký biên bản bàn giao mặt bằng với số tiền hơn 42 tỷ đồng; Phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trong năm 2023.
– Về di vật: Hoàn thành tiếp nhận ban giao toàn bộ khối lượng hiện vật còn lại từ Viện Khảo cổ học và Viện Nghiên cứu Kinh Thành trong năm 2023.
1.3 Hoàn chỉnh và phê duyệt kế hoạch quản lý cùng các chương trình cụ thể liên quan đến quản lý và thực hiện quản lý
Kế hoạch quản lý và Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch quản lý Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội giai đoạn 2024 – 2028, định hướng 2035, tầm nhìn 2045 hướng tới xác định tầm nhìn, mục tiêu và điều chỉnh bổ sung những nội dung cụ thể về phương án phục dựng Chính Điện Kính Thiên và hoàn trả không gian Điện Kính Thiên, Bảo tồn Nhà Cục Tác chiến và Nhà Pháo binh dưới dạng di sản số.
Các dự án bảo tồn, tôn tạo tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa đã được triển khai đúng theo thứ tự ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể là:
– Hoàn thiện hồ sơ đầu tư đối với 04 dự án đã được HĐND phê duyệt Chủ trương đầu tư: (1) Dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; (2) Dự án Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền An Dương Vương, Giếng Ngọc; (3) Dự án Tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đình Ngự Triều Di Quy và Am Mỵ Châu; (4) Dự án khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long;
– Trình phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao – Giai đoạn II;
– Thực hiện 01 dự án đầu tư và 02 dự án cải tạo sửa chữa: Dự án Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao (tòa nhà Vaxuco); 02 dự án cải tạo, sửa chữa sử dụng vốn sự nghiệp năm 2023 (sửa chữa một số công trình phụ trợ tại KDT Cổ Loa; Sửa chữa một số kho bảo quản di vật tạm thời tại khu vực T66).
3.1. Công tác nghiên cứu khoa học – sưu tầm
– Hội thảo khoa học Quốc tế: “Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” (tháng 3/2023). Hội thảo đã tổ chức thành công, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, sự đóng góp của di sản thế giới đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nâng tầm và đẩy mạnh vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong chiến lược phát triển bền vững; mở rộng sự tham gia của các bên liên quan đến di sản văn hoá và thiên nhiên như các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng; tăng cường cam kết của UBQG UNESCO Việt Nam và UNESCO trong đồng hành cùng chính quyền địa phương và hỗ trợ đơn vị quản lý di sản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam; thể hiện cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc thực thi nghiêm túc Công ước Di sản thế giới, và thể hiện nguyện vọng đóng góp cho công tác bảo tồn di sản thế giới thông qua ứng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027…
– Tọa đàm khoa học quốc tế “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long” (tháng 4/2023): góp phần chào mừng Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12; nhằm đánh dấu hợp tác giữa hai Thành phố Hà Nội và Thành phố Toulouse, thể hiện sự quyết tâm và đầu tư của Thành phố Hà Nội cho Khu di sản Hoàng thành Thăng Long
– Xây dựng “Báo cáo tình trạng bảo tồn khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội” tiến tới phục dựng không gian điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên đã và đang được tiến hành đồng bộ trên nguyên tắc: Tuân thủ khuyến nghị của UNESCO, khuyến nghị của đoàn công tác liên ngành UNESCO và ICOMOS, cam kết của Chính phủ Việt Nam và Luật Di sản văn hóa; nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng và hoàn toàn đảm bảo tính khoa học; đảm bảo công tác bảo tồn mọi dấu tích khác đang được tiến hành dưới nhiều hình thức đảm bảo không thay đổi giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản….
– Xây dựng kế hoạch Nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học và số hóa 2D, 3D công trình Nhà Pháo binh, Nhà Cục Tác chiến tạo sự đồng thuận cao đối với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước đối với việc khơi thông trục Hoàng Đạo nhằm đủ điều kiện sớm đề xuất chủ trương đầu tư dự án phục dựng không gian điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên.
– Góp ý kế hoạch trưng bày tại chỗ hố khai quật khảo cổ năm 2023, trưng bày hình ảnh “Kết quả nghiên cứu khảo cổ học thời Lê tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội từ 2011 – nay”, nhằm kết nối với kết quả khai quật những năm trước để xác định quy mô, kiến trúc, không gian chính Điện Kính Thiên nhằm tuyên truyền, quảng bá những phát hiện mới khảo cổ học năm 2023 cũng như kết quả nghiên cứu, khai quật tại Hoàng thành Thăng Long kể từ sau khi được ghi danh Di sản văn hóa thế giới.
– Phòng chiếu phim 3D về nghi lễ thiết triều (Xây dựng phần mềm trình chiếu thực tế ảo VR, Số hóa dữ liệu 3D không gian Điện Kính Thiên…);
– Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2023 gồm 05 hiện vật tiêu biểu: Đao cẩn tam khí thời Trần (thế kỷ 13-14); Lệnh bài “Cung nữ xuất mãi bài” niên hiệu Quang Thuận năm thứ 7 (1466); Lá đề trang trí chim phượng, đất nung thời Lý (thế kỷ 11-12); Mô hình kiến trúc thời Lê sơ (thế kỷ 15); Thành bậc rồng Cổ Loa thời Lê Trung hưng.
– Nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày bổ sung tại các di tích cách mạng kháng chiến trong Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và xuất bản ấn phẩm: Thông tin di sản năm 2023; Lịch Việt Nam thông dụng Giáp Thìn 2024…
– Nghiên cứu Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.
3.2 Tư vấn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản:
– Tư vấn tổ chức các hoạt động trưng bày – triển lãm như: Triển lãm “Chung một con đường” nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023); Trưng bày “Từ lòng đất đến bảo tàng: Hành trình của hiện vật” trong khuôn khổ dự án hợp tác Hà Nội – Toulouse; Triển lãm “Thành xưa phố cũ” phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023)…
Xây dựng những hoạt động trưng bày – triển lãm, hệ thống thuyết minh, tuyên truyền quảng bá, những sản phẩm tương tác đa chiều… nhằm đưa những giá trị của di sản, giá trị của Bảo vật Quốc gia, những cổ vật, bộ sưu tập cổ vật… đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt, triển khai một số sản phẩm du lịch mới nhằm nâng cao chất lượng điểm đến như tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.
Kết quả phối hợp thực hiện đối với quốc tế: Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm chuyển giao công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, đặc biệt đối với các di tích khảo cổ học; quảng bá hình ảnh khu di sản Hoàng thành Thăng Long đến với bạn bè quốc tế; nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản; Đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn tại khu di sản ngày càng đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.
Trong năm 2023, Hội đồng đã tư vấn, tham mưu cho Thành phố và Trung tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản… Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đang trở thành điểm đến an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
II. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NĂM 2024
Hội đồng tiếp tục tư vấn cho UBND Thành phố Hà Nội và Trung tâm triển khai các nhiệm vụ sau:
– Hoàn chỉnh hồ sơ “Báo cáo tình trạng bảo tồn Di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội”, nộp Trung tâm di sản Thế giới vào ngày 1/2/2024 và vận động để hồ sơ được thông qua tại Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới nhằm đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án phục dựng Điện Kính Thiên.
– Tư vấn tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế nghiên cứu và phục dựng điện Kính Thiên;
– Tư vấn xây dựng hồ sơ báo cáo Trung tâm DSTG về không gian Điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên;
– Tư vấn về mặt khoa học đối với dự án Bảo tồn khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu trưng bày Hoàng cung Thăng Long;
– Tư vấn các chương trình, sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước (lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình Ký ức mùa thu nhân kỷ niệm 70 năm tiếp quản Thủ đô, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam…
– Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết của Chính phủ trong công tác quản lý, hoàn thành công tác thống nhất quản lý di sản và tiến độ đầu tư các dự án trong quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt;
– Tiếp tục nghiên cứu phục dựng kiến trúc Chính điện Kính Thiên (mặt bằng và kiến trúc, quy mô chính Điện Kính Thiên);
– Tập trung công tác nghiên cứu liên ngành nhằm làm rõ và bổ sung căn cứ khoa học đối với các Tuyên bố về giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di sản (liên quan đến Nhà Cục Tác chiến, Nhà Pháo binh và Không gian chính Điện Kính Thiên);
– Tổ chức hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm của Thường trực Hội đồng tư vấn khoa học về phục dựng các kinh đô cổ (tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…);
– Nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trục trung tâm Cấm thành Thăng Long;
– Tổ chức Hội thảo, tọa đàm, biên soạn, in ấn phẩm các nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa
– Xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch đa dạng thu hút khách tham quan; từng bước tiến tới tự chủ về tài chính trong hoạt động của đơn vị, đóng góp một phần cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
– Triển khai Đề án truyền thông, quảng bá về 02 khu di sản, đặc biệt là việc phục dựng Chính điện Kính Thiên, đền thờ Đức vua Ngô Quyền trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế;
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trân trọng báo cáo./.
BÀI VIẾT KHÁC
LIÊN KẾT DI SẢN