Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 53
02/10/2018
Trong hai ngày 29, 30 tháng 9 năm 2018, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức Hội nghị Thông báo Khảo cổ học lần thứ 53 tại thành phố Huế. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 53 năm qua.
Tới dự khai mạc Hội nghị có các đại biểu: GS.TS Phạm Văn Đức (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Dung (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế); PGS.TS Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học, TS. Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế) cùng đông đảo các nhà khoa học trong các lĩnh vực Khảo cổ học, nhân chủng học, địa chất học, bảo tàng học…
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Phạm Văn Đức (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khẳng định Hội nghị là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tiếp cận, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực nghiên cứu khoa học của mình. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Viện Khảo cổ học trong việc đưa Hội nghị Khảo cổ học hàng năm về các địa phương, như là một hoạt động quảng bá cho ngành khảo cổ học Việt Nam vừa là cơ hội để mọi người đến được nhiều hơn với khảo cổ học Việt Nam.
Phát biểu chào mừng hội nghị, PGS.TS Nguyễn Dung (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế) khẳng định, nhận thức được vai trò to lớn của Di sản văn hóa, nhất là lĩnh vực Khảo cổ học đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Huế luôn quan tâm chăm lo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là di sản thế giới Cố đô Huế. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về việc gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Hội nghị là cơ hội để Huế mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng đất và con người xứ Huế tới bạn bè trong và ngoài nước; là cơ hội để tỉnh nghiên cứu, tham khảo, vận dụng vào việc quyết định các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh trong những năm tới.
PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học – Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học đã có báo cáo đánh giá về hoạt động nghiên cứu khảo cổ học toàn quốc năm 2018. PGS.TS Bùi Văn Liêm cho rằng các nghiên cứu khoa học đã bổ sung những tư liệu rất mới/quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người Việt Nam; góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những thông báo của chúng ta cùng chung mục tiêu nghiên cứu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Những tư liệu từ các nhà khoa học cũng là minh chứng khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Theo ban tổ chức, năm nay hội nghị đã nhận được trên 312 bài viết về các nội dung: Khảo cổ học tiền sử (115 bài), Khảo cổ học lịch sử và nghệ thuật (184 bài), Khảo cổ học Champa – Óc Eo (41 bài), Khảo cổ học dưới nước (10 bài) và 6 bài về các hoạt động chung của ngành. Đây là những phát hiện mới về di tích, di vật và những nghiên cứu chuyên sâu về nhiều vấn đề xuyên suốt từ thời Tiền sử đến Lịch sử.Sau phiên khai mạc, Hội nghị tiếp tục thảo luận tại các tiểu ban.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội là cơ quan chủ quản quản lý khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Trong năm 2017, Trung tâm phối hợp Viện Khảo cổ học tiếp tục mở rộng khai quật khảo cổ học tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội trong nỗ lực thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản Thế giới. Kết quả khai quật tại khu di sản năm 2017 đã được đoàn khai quật báo cáo chi tiết, khẳng định những kết quả khai quật trong thời gian qua đã xác định được tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý – Trần – Lê sơ – Lê Trung hưng đến thời Nguyễn, làm rõ không gian kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng, nằm chồng lên không gian điện Kính Thiên thời Lê sơ và xác định được không gian kiến trúc thời Lý. Trong phạm vi hố khai quật xuất lộ các dấu tích kiến trúc có niên đại trải dài từ thời Lý đến thời Lê, Nguyễn.
Dấu tích văn hóa thời Nguyễn có hai vị trí móng tường hành cung phía Nam hố khai quật và móng tường hành cung phía Đông hố khai quật. Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng xuất lộ bao gồm hệ thống móng cột gia cố, nền kiến trúc, móng tường và tường bao gạch vồ xám, dấu tích ao/hồ, dấu tích thành giếng nước bằng đá… Di tích kiến trúc thời Lê sơ xuất lộ di tích các hàng gạch xếp ở phía Bắc và phía Nam hố khai quật. Bước đầu xác định được 03 kiến trúc thời Trần với các di tích móng cột gia cố bằng sỏi, sành, gạch, ngói, bó nền kiến trúc, nền kiến trúc, dải bó nền hoa chanh… Đặc biệt, đường lát gạch hoa chanh thời Trần với kích thước lớn (1,1m), niên đại khoảng thế kỷ 13. Đây là đường lát gạch hoa chanh lớn nhất từ trước đến nay tìm thấy trong các di tích kiến trúc cổ thời Trần ở Việt Nam. Di tích kiến trúc thời Lý có 03 dấu tích kiến trúc chạy theo chiều Đông-Tây tại khu vực phía Nam hố khai quật. Di vật thu được trong hố khai quật bao gồm nhóm các loại hình vật liệu kiến trúc, các loại hình đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, công cụ sản xuất… có niên đại kéo dài từ thời Đại La tới thời Lê, Nguyễn. Cuộc khai quật khảo cổ học khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2017 đã đạt được kết quả nhất định trong việc nghiên cứu Cấm thành Thăng Long.
Tại Tiểu ban Khảo cổ học Lịch sử và Nghệ thuật, TS. Trần Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội) có bài phát biểu về sự hợp tác trong công tác khảo cổ học giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học. TS. Trần Việt Anh nhấn mạnh những yêu cầu đối với công tác khai quật, bảo tồn, bảo quản di tích, di vật tại Hoàng Thành Thăng Long, Di sản Thế giới đang hoạt động, có khách tham quan sẽ gặp nhiều vấn đề cần lưu ý hơn, đảm bảo nghiên cứu khoa học và đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng đến khách tham quan. Và nêu ra những vấn đề cần lưu ý: Tại khu Trung tâm Chính Điện Kính Thiên, trong thời gian 7 năm (2011-2018) đã khai quật trên diện tích lớn (gần 5.000m²), thu được những kết quả mới, tuy nhiên cần có những đổi mới trong phương pháp nghiên cứu và bảo tồn, bảo quản di tích, di vật nhằm phù hợp tích chất khu Di sản.
Hội nghị thông báo Khảo cổ học là hoạt động được tổ chức thường niên, đây không chỉ là diễn đàn khoa học mà còn là dịp để các nhà khảo cổ học chuyên và không chuyên trên toàn quốc gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về những phát hiện mới, những nghiên cứu mới, hướng tới sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học, các trường đại học, các Bảo tàng, các khu Di sản trong nghiên cứu khảo cổ học nói riêng, văn hóa nói chung.
Bùi Thị Thu Phương
BÀI VIẾT KHÁC
LIÊN KẾT DI SẢN