Hội thảo khoa học: “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long”

25/12/2023

Kể từ khi Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa Thế giới năm 2010 đến nay, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thực hiện tốt theo các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là công tác khai quật khảo cổ học luôn được chú trọng.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Nhằm giới thiệu những phát hiện khảo cổ học quan trọng năm 2023 và tổng kết công tác khảo cổ từ năm 2011 đến nay, ngày 21/12/2023, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và Kết quả khai quật, nghiên cứu từ năm 2011 đến nay tại Hoàng Thành Thăng Long” tại số 9, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội; với gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Trung ương, Thành phố Hà Nội, các Sở, Ban ngành, các Viện nghiên cứu, các  trường Đại học và các nhà khoa học tới dự và đóng góp ý kiến.

I. Về công tác Khảo cổ năm 2023

  1. Kết quả khai quật khảo cổ năm 2023

Thực hiện Quyết định số 918/QĐ-BVHTTDL ngày 11/4/2023 và 1463/QĐ-BVHTTDL ngày 07/6/2023 của Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông – Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 1.000m2 tại 3 vị trí; Cục Tác Chiến, nền điện Kính Thiên và Hậu Lâu. Đến nay, kết quả sơ bộ như sau:

Hố khai quật tại mặt bắc nhà Cục Tác Chiến đã xuất lộ một số mảng sân Đan Trì cũng như dấu tích Ngự đạo nối tiếp kết quả khai quật năm 2022, móng nền kiến trúc thời Lý.

Vị trí trên nền điện Kính Thiên: Các hố đào thăm dò được mở trực tiếp trên nền điện Kính Thiên. Cho đến thời điểm hiện nay, tại vị trí các hố khai quật thăm dò, đã xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX), thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII – XVIII) và thời Lê sơ (thế kỷ XV – XVI). Về cơ bản, cuộc khai quật đã cung cấp hai thông tin quan trọng: Cấu trúc và mặt bằng nền móng của chính điện Kính Thiên thời Lê và thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII – XVIII.

Vị trí phía nam Hậu Lâu: Đã xuất lộ 2 lớp kiến trúc thời Lê Trung hưng, (thế kỷ XVII – XVIII) và Lê sơ (thế kỷ XV – XVI). Thời Lê Trung hưng, thời Trần (thế kỷ XIII- XIV) gồm có đường đi, nền gạch, móng cột, móng bó nền… Các dấu tích này có mối quan hệ với các dấu tích đã khai quật năm 2021, liên quan đến các cung điện của nhiều thời kỳ ở khu vực này.

Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật cũng thu được nhiều loại hình di vật gạch, ngói, gốm men, gốm sành liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống Hoàng cung nơi đây.

  1. Trưng bày tại chỗ các hố khảo cổ học trên khu vực nền Điện Kính Thiên

Khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 đã thu được những kết quả vô cùng quan trọng; đó là địa tầng nền điện dày trên 3m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Trong tầng văn hóa có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định. Điều này cho thấy, các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất.

Để phát huy giá trị di tích, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với viện Khảo cổ học lựa chọn 02 hố khai quật tiêu biểu, phản ánh chân xác và sinh động dấu tích của tòa Chính điện Kính Thiên thời Lê để trưng bày tại chỗ giới thiệu đến toàn thể nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Trưng bày này sử dụng hệ thống pano, video clip, hệ thống ánh sáng nhằm diễn giải ngắn gọn, súc tích nhất về quá trình xây dựng, hình thành và phá hủy điện Kính Thiên, cũng như việc nghiên cứu phát lộ và tái hiện bằng hình ảnh 2D, 3D di tích quan trọng này trong những năm vừa qua.

II. Tổng kết công tác Khảo cổ từ năm 2011 đến nay

  1. Kết quả khai quật, nghiên cứu Khảo cổ từ năm 2011 đến nay

Sau khi Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới, từ năm 2011 đến nay, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Thành ủy, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, sự tham gia đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, công tác khai quật khảo cổ học luôn được chú trọng, đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Hội đồng Quốc tế về di tích và di vật (ICOMOS).

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.

Đặc biệt, công tác khai quật năm 2023 đã đạt được những kết quả rất khả quan trong việc xác định dấu tích của điện Kính Thiên. Khảo sát tại hố khai quật, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO, ICOMOS) và các chuyên gia trong nước đánh giá cao vì được tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng/khôi phục chính điện Kính Thiên.

  1. Trưng bày kết quả nghiên cứu khảo cổ học thời Lê tại khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức thực hiện Trưng bày hình ảnh “Kết quả nghiên cứu khảo cổ học thời Lê tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội từ 2011 – nay”, đây là trưng bày nghiên cứu có tính hệ thống, đề cao tính chân xác từ các di tích, di vật kết hợp diễn giải bằng hình ảnh 2D, 3D, trưng bày thể hiện 3 vấn đề chính:

+ Bố cục Trục trung tâm và Không gian điện Kính Thiên

+ Cấu trúc mặt bằng điện Kính Thiên thời Lê

+ Các di vật tiêu biểu diễn giải kiến trúc cung điện trong khu vực Trung tâm.

Những kết quả khai quật năm 2023 cũng như chặng đường hơn 10 năm qua đã đóng góp giá trị to lớn góp phần khẳng định và làm gia tăng giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, hướng tới tầm nhìn mới để xây dựng các chiến lược nghiên cứu, bảo tồn và diễn giải di sản.

III. Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới

Căn cứ Cam kết 2010; Thông cáo Hà Nội 2022 (Hội thảo khoa học Quốc tế: “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội” tháng 9/2022); Khuyến nghị 2023 và kết quả khai quật khảo cổ học từ năm 2011 – 2023, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học xây dựng “Chiến lược khảo cổ học tại khu vực Trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long” trong đó trọng tâm là Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên. Ngoài ra, cần nghiên cứu khu vực Nội điện (phía sau điện Kính Thiên) nơi làm việc hàng ngày của nhà vua. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học giai đoạn này có vai trò trọng yếu mang lại những căn cứ xác thực cho chiến lược diễn giải di sản và hướng tới phục dựng Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên.

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN