Tổng hợp bảo vật quốc gia tại Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

08/06/2023

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật quý giá với bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Nổi bật hơn cả là những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Ở bài viết dưới đây, cùng Khu di sản chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia được Chính phủ – Nhà nước công nhận nhé.

Bộ thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê sơ

Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Đây là nơi cử hành những nghi lễ long trọng trong triều đình thời bấy giờ, là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và bàn việc quốc gia đại sự. Cuối thế kỷ XIX thời Pháp thuộc, thực dân Pháp phá bỏ hành cung Kính Thiên, giữ lại bộ thành bậc.

Trong đó có 2 thành bậc chạm rồng (ở giữa) và 2 thành bậc chạm mây hóa rồng (hai bên) tạo thành 3 lối đi lên xuống. Lối đi giữa dành riêng cho nhà vua.

Rồng đá Điện Kính Thiên là một kiến trúc di sản nghệ thuật đặc sắc với tư thế uốn lượn từ trên xuống , đầu rồng ngẩng cao như đại diện cho ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt. 7 khúc trên thân thân uốn lượn mềm mại như sóng thể hiện những chuẩn mực Nho giáo cho hình tượng rồng. Ngoài ra, hoa sen dây và những họa tiết khác cũng thể hiện tư tưởng Phật giáo. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc chạm mây không bắt gặp hay lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại.

Ngày 31/12/2020, bộ thành bậc điện Kính Thiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 9 theo quyết định số 2283/QĐ-TTg.

Đầu rồng thời Trần

Đầu rồng thời Trần là hiện vật nguyên gốc, là khối tượng tròn, cao 60cm, điểm rộng nhất của chiều từ miệng đến bờm sau gáy là 52cm và chiều rộng của bờm là 17cm. Đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý, Trần nói riêng. Theo thời gian, tượng đầu rồng trang trí trên mái kiến trúc có nhiều thay đổi cả về hình dáng, cấu trúc và ý nghĩa biểu tượng.

Trong đợt công nhận Bảo vật Quốc gia lần thứ 11 được Chính phủ công bố tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023, Hoàng thành Thăng Long có tới 4 trong số 27 hiện vật của cả nước, gồm: Đầu rồng thời Trần, bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê, thành bậc điện Kính Thiên thời Lê trung hưng và súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ 

Bộ bát, đĩa gốm là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử về văn hóa gắn với di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu thuộc Khu Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là những bát, đĩa gốm ngự dụng (đồ dùng của vua), với kỹ thuật chế tác gốm men lam ở trình độ cao, nhiệt độ nung cao, nung đơn chiếc, hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo được cho thấy trình độ và óc thẩm mỹ của thợ gốm tài hoa.

Súng thần công thời Lê trung hưng

Súng Thần công là một loại pháo, có nòng dùng để bắn và thuộc về loại vũ khí nóng. Về kết cấu, một khẩu thần công được coi là hoàn chỉnh thường gồm các bộ phận: nòng, khoang chứa đạn và thuốc nổ, bộ phận kích nổ, bộ phận nạp, nhả đạn, bộ phận điều hướng và ngắm bắn, bộ phận ngắm, và bệ. Các loại súng lớn của các vương triều quân chủ Việt Nam xưa đúc theo kiểu đại bác thường được gọi chung là súng thần công.

Súng thần công A9-2782 có hình trụ tròn gồm 4 phần: miệng súng, thân súng, bầu súng và chuôi súng. Súng thần công được sử dụng ở Đại Việt từ cuối thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV. Khẩu súng này cho thấy trình độ đúc đồng, sự phát triển của súng thần công Đại Việt trong lịch sử của súng thần công.

Thành bậc Điện Kính Thiên thời Lê trung hưng

Thành bậc Điện Kính Thiên, thời Lê Trung hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích điện Kính Thiên – di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Là một thành tố cấu thành của điện Kính Thiên, thành bậc Kính Thiên thời lê Trung hưng có “số phận” gắn liền với sự biến đổi của Điện Kính Thiên trong lịch sử. Rồng trong hệ thống bộ thành bậc thời Lê Trung Hưng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, cách điệu hoa văn tinh xảo với dáng dấp cứng cáp không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác.

2 bát sứ ngự dụng thời Lê sơ

2 bát sứ ngự dụng – Đồ dùng của nhà vua và hoàng thất Mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. Bát có xương gốm rất mỏng- “mỏng như vỏ trứng”, độ trong của xương rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua, điều này cho thấy đẳng cấp và trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ.

Lá đề chim phượng Hoàng Thành Thăng Long

Bảo vật Quốc gia được Chính phủ quốc gia công nhận năm 2021. Trong số hàng nghìn hiện vật đất nung tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), lá đề chim phượng là một hiện vật tiêu biểu, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, điêu khắc.

Theo tài liệu hồ sơ lý lịch hiện vật, lá đề chim phượng gồm 2 phần, thân và bệ. Thân lá đề có hình dáng giống hình lá cây bồ đề, một loại cây mang tính biểu tượng của Phật giáo, ở hai mặt trang trí đôi chim phượng. Bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công. Đây là một tác phẩm mỹ thuật hài hòa, tinh mỹ thể hiện sự trau chuốt, tài hoa của các nghệ nhân thời Lý thế kỷ XI – XII.

Tượng An Dương Vương

Đầu năm 2023, tượng An Dương Vương đã được ký duyệt công nhận là bảo vật quốc gia. Pho tượng được đúc bằng hợp kim đồng với kỹ thuật đúc bằng sáp ong. Tượng lòng rỗng, trong tư thế ngồi trên bệ, liền khối, hình trụ, hai tay cầm hốt với phong thái ung dung, đường bệ, uy nghi. Vua đội mũ bình thiên hai cấp, trang trí “lưỡng long chầu nhật”. Khuôn mặt vua vuông chữ “điền”, mang phong cách của nghệ thuật tượng chân dung, mình mặc áo long bào cổ cao, hai tay cầm hốt để trước ngực, diềm áo chảy xuống tới tận mũi hài, thân đeo đai ngọc to bản trễ xuống, chân đi hài mũi cong.

Đây là pho tượng duy nhất chưa từng thấy ở bất kỳ di tích An Dương Vương nào tại Việt Nam, là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học của dân tộc.

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN