Vui Tết Trung Thu 2020 tại Hoàng Thành Thăng Long

14/09/2020

“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình

Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh

Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng

Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang.

Những câu hát rạo rực lòng người; hồi ức về những mùa trung thu tuổi ấu thơ ùa về; trẻ em háo hức chờ đến ngày Tết Trung thu được bố mẹ dẫn đi chơi, mua đèn ông sao, mặt lạ, đèn kéo quan,…

Vui tết Trung thu 2020 tại Hoàng Thành Thăng Long

Tết Trung thu (rằm tháng 8 hàng năm), đã trở thành ngày Tết của trẻ em (Tết thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông trăng hay Tết hoa đăng. Vào ngày này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ  chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích. Đây cũng là thời điểm khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, nhân dân ta mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi.

Trung thu có từ bao giờ?

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Từ triều Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước. Nhà vua tổ chức lễ hội với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn. Sang thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ, dạo ngắm phong cảnh. Đến đời Lê – Trịnh, Phủ Chúa được trang hoàng rực rỡ bằng các loại đèn tinh xảo, lộng lẫy.

Tết Trung thu tại Việt Nam

Bày Cỗ

Trong dân gian, các gia đình ban ngày cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ Trung thu với trọng tâm là ông tiến sĩ giấy thể hiện mong ước con cháu mình học giỏi, thành đạt. Tiếp đến là bánh Trung thu; các loại bánh tôm, bánh cá… được làm từ bột nhuộm màu sặc sỡ; hoa quả: bưởi, cốm, hồng, na, chuối. Mâm cỗ trung thu xưa còn có các loại sản vật đặc trưng của mùa thu như: gỏi cá, chả ốc thưởng thức cùng rượu sen.

Rước đèn

Ngày tết Trung thu, trẻ em được người lớn tặng cho các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn kéo quân và các loại đồ chơi Trung thu. Vào đêm rằm, trong tiếng trống rộn rã, các bạn nhỏ cầm những chiếc đèn Trung thu lung linh sắc màu cùng nhau rước đèn dưới trăng.

Múa lân

Múa lân còn được gọi là Múa sư tử. Múa lân thường được tổ chức vào trước Tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 15 và 16. Trong màn trình diễn múa lân, ông địa (một người bụng phệ -do độn vải, nếu không độn thì cần một người béo đóng giả) mặc áo dài, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông địa đầu hói tròn cười toe toét đi theo giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ.

Làm đồ chơi Trung thu

Mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Ngoài ra còn có các mô hình tàu thủy đồ chơi. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh…

Các loại bánh trung thu

Từ truyền thống đến hiện đại, bánh trung thu ngày càng đa dạng khi các nhà sản xuất sáng tạo trong sử dụng các nguyên liệu và thực phẩm khác nhau đưa vào nhân bánh; dập khuôn kiểu dáng bánh thành nhiều hình thù sinh động; đóng gói với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, dựa theo công thức làm vỏ bánh thì chỉ có hai loại bánh trung thu là bánh nướng và bánh dẻo.

Chương trình Vui Tết Trung thu 2020 tại Hoàng Thành Thăng Long

Nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2020 với chủ đề “Lung linh trăng rằm”. Chương trình không chỉ mong muốn mang tới cho các em thiếu nhi một mùa Trung thu ý nghĩa, với những hoạt động bổ ích lý thú, mà còn kỳ vọng tất cả mọi người đều có thể có những trải nghiệm, hồi ức về những mùa trung thu đã qua của riêng mình.

Đến với chương trình Vui Tết Trung thu 2020 tại Hoàng thành Thăng Long, các em và các bạn sẽ được tham gia các hoạt động bổ ích và lý thú như:

  • Tham quan không gian trưng bày với chủ đề “Lung linh trăng rằm”: giới thiệu không gian tết Trung thu nhiều sắc màu với các loại đèn Trung thu truyền thống (với sự tham gia tư vấn của nhà nghiên cứu Trịnh Bách; Nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh người gìn giữ nghệ thuật làm hoa quả bằng bột và con giống Đồng Xuân; Nghệ nhân Đặng Văn Hậu phục hồi các con con giống Phố Khách, Phú Xuyên…).
  • Xem biểu diễn múa sư tử.
  • Trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống như: Làm đèn lồng giấy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ; Tô vẽ mặt nạ giấy bồi.
  • Tham gia các trò chơi như: Bộ quái thú siêu to siêu đáng yêu, xích đu, cầu trượt…
  • Tham quan gian hàng tết Trung thu: Đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, tò he…

Quý khách cũng có thể xem trưng bày “Lung linh trăng rằm” theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ truy cập: trưngbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

Thời gian trưng bày: Từ ngày 17/9 đến ngày 4/10/2020.

Thời gian trải nghiệm, tương tác: Từ 8h30 – 16h30 (Ngày 26 – 27/9/2020)

  • Lịch biểu diễn Múa Sư tử: vào các khung giờ 9h30, 10h30, 15h30, 16h (26 – 27/9/2020)

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức một số hoạt động trải nghiệm đặc biệt phục vụ du khách vào 15h30 thứ 7, ngày 19/9/2020, bao gồm:

  • Khám phá nghệ thuật trình diễn làm đèn Trung thu truyền thống của Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền; nghệ thuật tỉa hoa quả, làm quả bằng bột và con giống Đồng Xuân của nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh; phục hồi các con giống Phố Khách Phú Xuyên… Của nghệ nhân Đặng Văn Hậu.
  • Nhà sử học Lê Văn Lan giao lưu, nói chuyện về Giới thiệu về Tết Trung thu và Hội đèn trung thu thời Lê Trịnh dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử.
  • Thả đèn hoa đăng tại dòng sông cổ khu vực Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Địa điểm: Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội

Trân trọng kính mời du khách đến tham quan, trải nghiệm Chương trình Vui Tết Trung thu 2020 tại Hoàng Thành Thăng Long.

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN