Bảo vật Quốc gia được công nhận tại Hoàng thành Thăng Long năm 2024
08/01/2025
Thủ tướng vừa quyết định công nhận 33 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024. Trong đó, có 3 bộ sưu tập hiện vật từ Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Sưu tập đầu phượng thời Lý là những khối tượng tròn với nhiều kích thước khác nhau. Đầu phượng thể hiện phượng ở tư thế chuyển động. Bờm chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Mỏ dài, má phình rộng, mào hình lá đề lệch, hướng về phía trước. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm.
Sưu tập Đầu phượng Hoàng thành Thăng Long được làm bằng đất nung, xương đất mịn cho thấy đất sét được dùng làm nguyên liệu đã được ủ và xử lý kỹ trước khi đưa vào đắp tạo hình. Toàn bộ hoa văn được khắc bằng tay.
Đầu phượng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc mà nó còn là những tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý thế kỷ XI – XII.
Bình Ngự dụng Hoàng thành Thăng Long có cấu trúc gồm đáy, thân, vai, miệng, vòi và quai.
Hình dáng, cấu trúc và một số hoạ tiết trang trí của Bình Ngự dụng tạo hình ảnh như một con rồng ẩn mình trong bình, trong đó vòi bình là đầu của con rồng. Đầu rồng được thể hiện ở tư thế ngẩng cao với sừng và bờm được đắp nổi, tả thực. Bờm trên đầu được thể hiện ở tư thế bay về phía sau và toả rộng ra các phía. Quai bình được thể hiện như một phần của thân rồng với vây giương cao. Bốn chân rồng được đắp ở hai bên vai bình, mỗi bên hai chân. Các chân diễn tả tư thế đang đạp mạnh về phía sau, các bắp cơ săn chắc, đẩy thân rồng về phía trước khiến cho thân rồng vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ.
Trên vai bình, ở vị trí giữa hai chân rồng còn đắp nổi bông hoa với nhuỵ lớn, cánh nhỏ, giống như hạt cườm. Hoạ tiết hoa văn này càng tăng thêm sự ẩn hiện của hình rồng.
Sưu tập chén, bát, đĩa đồ gốm Trường Lạc, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long (sau đây gọi tắt là Bộ sưu tập) gồm 36 hiện vật với nhiều kích thước khác nhau, bao gồm: 9 chiếc chén, 6 chiếc bát, 20 chiếc đĩa và 01 mảnh thân đĩa.
Những chén bát, đĩa gốm Trường Lạc, thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long đề cử là những hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này.
BÀI VIẾT KHÁC
LIÊN KẾT DI SẢN