Hoàng thành Thăng Long: Điểm hẹn của “Bản hoà âm đất nước”

26/02/2024

Những ngày cuối tuần, trong không gian văn hoá, lịch sử Hoàng thành Thăng Long, giọng nói của các nhà thơ đại diện cho các dân tộc Việt Nam, với những vẻ đẹp riêng biệt cùng vang lên trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.

Thơ ca gắn kết tinh thần Việt

Tối Rằm tháng Giêng (24/2) năm Giáp Thìn, dù thời tiết mưa và lạnh nhưng những người yêu thơ vẫn đến Hoàng thành Thăng Long đi trên con đường thơ ca để đọc và chiêm nghiệm những vần thơ hay về dân tộc.

Ở những quán thơ có tấp nập người tới thưởng thơ, cùng những lời bình thơ, ngâm thơ khiến cho ngày hội đậm đà màu sắc thi ca. Trong những người tới thưởng thơ có cả các em nhỏ đi cùng cha mẹ, ông bà. Đây là một cách du Xuân đầu năm đầy ý nghĩa với người dân Thủ đô – một cách đi hội văn minh và cũng là một cách giáo dục trẻ nhỏ yêu thơ ca ngay từ thuở bé.

Trong phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, gió rét và mưa bay như một thách thức của thi ca, nhưng với dân tộc Việt Nam càng trong thách thức, khổ đau và mất mát, những “đóa hoa” của trái tim, của mỗi gương mặt được mở ra.

Tại đêm thơ, công chúng đã được thưởng thức các bài thơ: “Con trai người Pa Dí”, “Của Pang”, “Giấc mơ sông Thương”, “Khúc hát mùa Xuân”, “Người Tân Trào”, trường ca “Bách điểu bách hoa” (dân tộc Tày), “Những người mẹ núi”… do NSƯT Duy Quang, Á hậu Thụy Vân, các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Pừ Sảo Mìn, Dương Khâu Luông, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Bùi Tuyết Mai, Lý Hữu  Lương… trình diễn.

Đặc biệt, khán giả được nghe các nhà thơ Hàn Quốc: Ji Eun – Kyung, Jeon-Min, Jeong Gun-Ok trình bày biểu cảm các bài thơ: “Có một vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội”, “Trên bến đò lau sậy”, “Quê hương tôi đó”… Đan xen chương trình ngâm thơ là các tiết mục ca múa nhạc do nhiều thi sĩ, ca sĩ biểu diễn mang đến cho người xem không khí lãng mạn, vui tươi của mùa Xuân.

Chương trình cũng có cho thấy sự nỗ lực trong việc mang yếu tố văn hóa của 54 dân tộc lên sân khấu, một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, sự gắn kết của người Việt ở mọi lĩnh vực, trong đó có thi ca, nghệ thuật.

Ngoài sân khấu thơ như một điểm nhấn quan trọng, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 còn có những hoạt động khác như “Nhà ký ức”, Hội thảo “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ”. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Ngày thơ là hoạt động đặc biệt để tôn vinh thi ca và lan toả vẻ đẹp và sự cần thiết của thơ ca rộng sâu hơn nữa trong đời sống. Tại đây, các nhà thơ thấu hiểu hơn vẻ đẹp và sứ mệnh trong sự nghiệp sáng tạo thơ ca của mình”.

Tiếp tục sáng tạo

Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, Ngày Thơ Thăng Long – Hà Nội được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám như một sự kiện văn hóa khai Xuân, nhằm động viên văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô trong thời kỳ mới. Đồng thời, thông qua sự kiện đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với mọi tầng lớp Nhân dân, đóng góp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.

\

Cùng với chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, qua sự kiện Ngày Thơ Hà Nội, các nhà thơ, văn nghệ sĩ Thủ đô càng thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình trong sáng tác nhằm đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất, quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, “Văn hiến – văn minh – hiện đại”.

Ngày Thơ Thăng Long – Hà Nội sôi động với các cuộc thi trình diễn thơ của các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, thi trưng bày quán thơ của những Câu lạc bộ thơ Thủ đô và nhiều đơn vị báo chí trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

Theo các chuyên gia, những sáng tác thi ca về Hà Nội đều thuộc hàng dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng. Nói như nhà thơ Bằng Việt, “Hà Nội là mảnh đất “trăm hương đổ về”, luôn tập hợp tinh hoa văn hóa từ các vùng đất khác”. Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Nhà thơ, nhà văn muốn thành tài thì phải về Hà Nội, gạn đục khơi trong ở mảnh đất này mới thổi bùng nên tên tuổi và tài năng của mình”.

Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Nền văn học Thăng Long – Hà Nội từ xưa đến nay với hàng nghìn văn sĩ thể hiện khát vọng hòa bình của toàn dân tộc. Hà Nội là thành phố đặc sắc về di sản văn hóa bởi sự hội tụ tinh hoa ngàn đời của văn hóa Thăng Long hòa quyện với văn hóa xứ Đoài, Kinh Bắc làm nên bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Một lĩnh vực đặc biệt tinh tế là văn học nghệ thuật và từ xưa đến nay, văn học nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội cũng như xây dựng con người Thủ đô thanh lịch.

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN