Bảo vật thời Lê được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long

15/12/2021

Hoàng Thành Đông Kinh thời Lê

Năm 1428, sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi (Lê Thái Tổ) lên ngôi tại Thăng Long/ Đông Đô, đổi tên Kinh đô là Đông Kinh. Dưới thời Lê sơ (1428-1527), Đại Việt là một quốc gia hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Nhà nước Lê sơ lấy tư tưởng Nho giáo làm nền tảng được tổ chức chặt chẽ. Luật pháp được xây dựng khá hoàn chỉnh. Các hoạt động kinh tế, buôn bán phát triển khá toàn diện.

Đầy thời Lê sơ, các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông đã tiến hành kiến thiết Kinh đô trên cơ sở thành Thăng Long thời Lý, Trần nhưng xây dựng kiên cố thành cao hào sâu và có sự ngăn cách nghiêm ngặt giữa các vòng thành.

Trong Cấm thành, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng quần thể cung điện mới bao gồm có điện Kính Thiên nằm chính giữa Cấm thành, là điện thiết triều, được xây dựng trên vị trí của điện Thiên An thời Trần.

Dưới thời Lê Thánh Tông, nhà vua mở rộng Hoàng Thành với quy mô rất lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ toàn bộ lãnh thổ Đại Việt, gọi là Bản đồ Hồng Đức, trong đó có bản đồ Thăng Long được hoàn thành năm 1490. Đầu năm 1514 – 1516, Lê Tương Dục tiếp tục công cuộc mở rộng Hoàng Thành, tiến hành xây dựng nhiều công trình kiến trúc mới. Đây là thời kỳ Hoàng Thành được mở rộng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của Kinh đô.

Đầy thế kỷ 16, triều Lê sơ suy yếu, một đại thần của triều đình là Mạc Đăng Dung đã phế truất vua Lê Cung Hoàng vào năm 1527, chấm dứt 99 năm trị vị của nhà Lê Sơ.

Chiêm ngưỡng đồ gốm quý trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê

Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu năm 2002- 2004 đã tìm thấy một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng cung Thăng Long cùng vô số đồ dùng vật dụng của các vương triều.

Phát hiện quan trọng này minh chứng sinh động lịch sử tồn tại lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua 1300 năm, từ thời Đại La (thế kỷ 7- 9), Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời Lý (thế kỷ 11-13), Trần (thế kỷ 13-14), Lê (thế kỷ 15-18). Từ đây, mọi người biết đến nhiều hơn về Kinh đô Thăng Long và với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu, khu di tích này đã sớm trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào mùa thu năm 2010.

Nhiều đồ gốm sứ quý dành riêng cho nhà vua gọi là đồ ngự dụng và những đồ gốm dành cho vương hậu lần đầu tiên được tìm thấy. Đây là những đồ dùng, vật dụng có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ như lễ đăng quang của nhà vua hay lễ tấn phong Hoàng Thái hậu… Nhiều đồ gốm quý đó còn được dùng làm đồ tự khí trong các tôn miếu hay được dùng làm đồ vật trang hoàng nội thất của các cung điện nhằm điểm tô vẻ đẹp quyền quý, cao sang của chốn cung đình.

Bát sứ thấu quang trang trí rồng 5 móng, đồ ngự dụng thời Lê

Đĩa gốm trang trí chim phượng thời Lê

Đồ gốm thời Lê

Đồ gốm trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê đang được trưng bày tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ giúp khách tham quan cảm nhận chân thực, rõ ràng về phẩm cấp cao sang của các loại đồ gốm dành riêng cho nhà vua và vương hậu từng sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Nguồn: Tổng hợp

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN