TRIỂN LÃM: HÀ NỘI – ÂM VANG LỜI THỀ QUYẾT TỬ
14/12/2021
“Hôm nay chúng ta làm lễ khai sinh đội quân quyết tử. Chúng ta thề sống chết bảo vệ thủ đô. Chúng ta còn, thủ đô sẽ không bao giờ mất. Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. (trích lễ tuyên thệ của Trung đoàn Thủ đô)
Hà Nội đã trải qua những năm tháng như thế – 60 ngày đêm khói lửa (năm 1946 – 1947). Những năm tháng mà ở đó những người trực tiếp chiến đấu và hy sinh tại mặt trận Thủ đô đã trở thành một biểu tượng về tinh thần bất tử, âm vang sống mãi trong lòng nhiều thế hệ người dân Thủ đô hôm nay và mai sau. Và lời thề đó, tinh thần quyết tử đó chính là nội dung được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội giới thiệu và làm nổi bật thông qua Triển lãm chuyên đề “Hà Nội – Âm vang lời thề quyết tử” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021).
Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” với sự bủa vây của muôn vàn những khó khăn từ “giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp từng bước đầy lùi những khó khăn về mặt kinh tế, xã hội trong nước và xây dựng nội lực của quốc gia. Đặc biệt, đối với nhiệm vụ trọng yếu bảo vệ, giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, Chính phủ Việt Nam đã mềm mỏng nhưng kiên quyết thực hiện sách lược “hòa để tiến” trong mục tiêu tránh cùng một lúc đối diện với nhiều kẻ thù và tránh những cuộc xung đột quân sự với kẻ thù trong bối cảnh lực lượng quân sự của ta còn mỏng, như ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp (6/3/1946), Tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946…
Tuy nhiên những nỗ lực cuối cùng của Chính phủ Việt Nam để bảo vệ nền hòa bình mong manh của dân tộc đã không thể giữ được lâu bởi dã tâm, sự bội ước của thực dân Pháp, mà như tướng Đờ Gôn (Pháp) đã phát biểu“Thái độ của nước Pháp ở Đông Dương rất giản đơn. Nước Pháp có ý định khôi phục lại chủ quyền ở Đông Dương”. Chiến tranh đã nổ ra và nhân dân ta buộc phải cầm vũ khí đứng lên chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc..
Đêm 19/12/1946, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã cùng cả nước đứng lên, pháo đài Láng nã những loạt đạn đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù, mặt trận Hà Nội đã trở thành điển hình cho đường lối chiến tranh nhân dân. Mỗi ngôi nhà, từng con phố đều trở thành trận địa, chiến hào. Mỗi người dân từ cậu bé 9 tuổi đến cụ già tóc hoa râm, từ anh nhạc sĩ đến chị nông dân, từ một trí thức tiểu tư sản đến anh công nhân áo xanh, giầy vải… Tất cả đã cùng chung vai gánh vác với đội quân anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và các chiến sĩ tự vệ thành trong trọng trách giam chân địch, tạo điều kiện cho Trung ương Đảng, Chính phủ rút lên chiến khu an toàn. Tất cả những con người bình thường đó đã gắn bó với nhau trong cùng ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên khúc tráng ca của Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Sau khi hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội, tiếp tục công cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong giờ phút cảm động, chào tạm biệt Thủ đô “các chiến sỹ lấy gạch non viết vội lên tường nhà: “Hà Nội thân yêu ơi, ta sẽ trở lại!”, “Hỡi quân xâm lăng, chúng bay sẽ thất bại!”. Và sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngày 10/10/1954, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô chiến đấu tại mặt trận Hà Nội năm xưa đã đi đầu Đại đoàn quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô giữa rừng cờ hoa, niềm hân hoan vô bờ của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm chuyên đề “Hà Nội – Âm vang lời thề quyết tử”.
Triển lãm gồm 3 nội dung:
Triển lãm phục vụ du khách tham quan từ ngày 16/12/2021 với phiên bản trưng bày trực tuyến tại website: http//:trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn
BÀI VIẾT KHÁC
LIÊN KẾT DI SẢN