Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11

23/11/2021

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, các dân tộc ở Việt Nam có một quá trình gắn bó và một ý thức dân tộc được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước của cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Cột cờ Hà Nội 

Với tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sắc lệnh 65/SL
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục văn thư và lưu trữ nhà nước

Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã 75 năm, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa…  

 

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Hãy cùng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam nói chung và Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long nói riêng.

Hoàng Thành Thăng Long

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN