Đi tìm hậu duệ của Tổng đốc Hoàng Diệu

22/09/2021

Tổng đốc Hoàng Diệu – Người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882. Tấm gương và lòng trung nghĩa của cụ luôn được thế hệ sau tưởng nhớ, khắc ghi. Nhiều người con trong gia tộc của cụ cũng được coi là người trung liệt, anh tài cũng như tham gia đóng góp tích cực cho cuộc đời. Trong số đó có người học cao thành giáo sư, nhà giáo, có người tham gia kháng chiến, nhiều người nổi tiếng và có đóng góp cho đất nước. Chúng ta cùng đi tìm hiểu những câu chuyện thú vị về dòng họ Hoàng nhé.

Dòng dõi anh tài, yêu nước

Tổng đốc Hoàng Diệu là một vị quan thanh liêm, hiếu kính với cha mẹ. Ông Hoàng Văn Hoa kể: “Khi cụ Hoàng Diệu làm quan ở ngoài Bắc, nhân có người về quê nhà Quảng Nam, cụ nhờ gửi về cho mẹ một tấm vải làm quà báo hiếu. Khi người mang quà tới thì bà mẹ đang làm ruộng. Nhận món quà của con trai, bà không vui và trả lại ngay kèm theo một bức thư và một cây roi dâu; trong thư bà căn dặn con dù làm quan cũng phải sống thanh liêm. Câu chuyện đó được truyền tụng trong gia tộc chúng tôi cho đến bây giờ như một bài học gia đạo. Con cháu chúng tôi đều noi gương cụ sống thanh bần, liêm khiết”.

Từ ông Hoàng Văn Hoa, chúng tôi mới biết thêm về con cháu của cụ Hoàng Diệu. Tổng đốc Hoàng Diệu có một người anh trai là Hoàng Kim Giám. Cụ Giám mất năm 34 tuổi, không có con trai. Tổng đốc Hoàng Diệu còn có ba người em trai là Hoàng Kim Bảng, Hoàng Bính, Hoàng Vỹ (sau đổi là Hoàng Chấn). Hoàng Kim Bảng đỗ cử nhân năm 1861. Hoàng Vỹ đỗ cử nhân năm  1870. Hoàng Bính đỗ tú tài. Hoàng Kim Bảng làm Đốc học Quảng Ngãi, sau thăng làm Án sát Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Ông Hoàng Văn Hoa bên ban thờ tổng đốc Hoàng Diệu

Sau hai lần bị giáng chức vì liên lụy, có tiếng thanh liêm, giỏi giang nên cụ Hoàng Kim Bảng được phục chức. Sau khi Hoàng Diệu tuẫn tiết, cụ Bảng xin về quê phụng dưỡng mẹ già và dạy học. Cụ Bảng mất năm 50 tuổi. Hoàng Vỹ, tức Hoàng Chấn, làm Tri huyện Trực Ninh, Tri phủ Xuân Trường, Nam Định. Năm 1882, Hoàng Chấn xin đưa linh cữu Hoàng Diệu về quê an táng rồi lưu lại quê nhà phụng dưỡng mẹ.

Năm 1885, khởi nghĩa Cần Vương do Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng nhưng sau đó bị thất bại. Hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa, nhiều phong trào khởi nghĩa yêu nước đã nổi lên sau đó. Cụ Hoàng Vỹ tham gia phong trào Nghĩa Hội bị quân của Nguyễn Thân bắt và thiêu sống.

Trong dòng họ Hoàng, ngoài những nhân tài, trung liệt trên, theo lời kể của ông Hoàng Văn Hoa, đời sau của Tổng đốc Hoàng Diệu còn có những tấm gương trung liệt khác. Đó là ông Hoàng Tuấn, con trai trưởng Tổng đốc Hoàng Diệu, ông nội của ông Hoàng Văn Hoa.

Hoàng Tuấn, nối nghiệp cha, thông minh học giỏi, có tài văn chương. Năm 25 tuổi, thi đỗ tú tài, ra làm quan. Đến năm Thành Thái thứ hai, ông xin về quê nuôi dưỡng mẹ già. Năm Duy Tân thứ 8, ông được thăng thọ Hàn Lâm Viện Thị Dục. Ông Hoàng Tuấn là con rể của cụ Phạm Phú Thứ, một đại thần triều Nguyễn, nhà cách tân lớn thời bấy giờ.

Em trai ông Hoàng Tuấn là Hoàng Hiệp, cũng là Ấm sinh, tinh thông văn học, am tường lý số. Tuy không theo đường quan lộ, nhưng ông cũng là người yêu nước, giao du với nhiều chí sĩ, lo kinh tài cho phong trào Nghĩa hội. Cụ thân sinh ông Hoa, ông Hoàng Văn Kiểm cũng là một người yêu nước, tham gia trong Hội Liên Thành. Ông Kiểm còn là nhà canh tân kinh tế trong vùng, giúp phát triển thủy lợi, canh nông cho dân làng.

Trong dòng họ này, còn nhiều tấm gương yêu nước, thương dân nữa. Ông Hoàng Văn Hoa cho biết: “Em ông Kiểm là ông Hoàng Phò làm nghề y, cũng là một người có lòng trung nghĩa hiếm thấy. Tốt nghiệp ngành Y sĩ Đông Dương, ông Phò được bố trí làm việc ở Nhà thương Huế, sau đó được điều vào Quảng Ngãi làm Giám đốc Y tế tỉnh Quảng Ngãi. Ở đây, ông đã dùng súng bắn chết cọp, trừ hại cho dân quanh vùng.

Bên nhánh ông Hoàng Kim Bảng (em ruột của Tổng đốc Hoàng Diệu) cũng có nhiều người xuất chúng. Đó là những người con của ông Hoàng Ky. Ông Ky là con ông Bảng, ông Ky gọi Hoàng Diệu bằng bác ruột. Ông Ky từng làm quan nhà Nguyễn thời Vua Duy Tân, Vua Khải Định, được thăng chức Thị giảng học sĩ. Con của ông Ky là những người rất nổi tiếng trong giới học thuật, như: Hoàng Phê, Hoàng Tụy, Hoàng Quý, Hoàng Chúng…”.

Sáng mãi dòng trâm anh

Theo lời ông Hoàng Văn Hoa, hiện ở TP HCM có nhiều hậu duệ của Tổng đốc Hoàng Diệu sinh sống. Đó là gia đình hai người chị gái của ông. Ngoài ra còn có con trai của anh ruột ông là Hoàng Lan (con ông Hoàng Tầm) nguyên Trưởng khoa Vật lý Trường đại học Sư phạm TP HCM. Ông Hoàng Lan nay đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại Đồng Nai.

Chúng tôi xuống TP Biên Hòa để gặp ông Hoàng Lan. Ông Hoàng Lan, sinh năm 1943, tên thật là Hoàng Dũng, hậu duệ đời thứ 6, là con trai của ông Hoàng Tầm (ông Tầm là cháu nội của Tổng đốc Hoàng Diệu). Mẹ ông Lan là con gái bác sĩ Lê Đình Thám – Chủ tịch Liên khu 5 thời chống Pháp. Ông Lan từng là giảng viên, Trưởng khoa Vật lý của Trường đại học Sư phạm TP HCM.

Ông Hoàng Lan – Hậu duệ đời thứ 6 Tổng đốc Hoàng Diệu

Hồi nhỏ, ông theo cha mẹ sống ở nhiều nơi, chủ yếu ở Hà Nội. Sau 3 năm học Vật lý ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Hoàng Lan (lúc đó có tên khai sinh là Hoàng Dũng, khi đi vào chiến trường mới đổi tên là Hoàng Lan) được giữ lại học thêm một năm. Ông là một trong 8 sinh viên trên số 80 người được Giáo sư Nguyễn Đình Tứ từ Dupna (Liên xô cũ, nay là Nga – PV) về hướng dẫn luận văn tốt nghiệp.

Theo lời ông Lan, nếu không có chuyện ông xung phong vào chiến trường miền Nam thì có lẽ ông đã là một nhà khoa học, vì sau đó Giáo sư Tứ sang xin ông về làm việc tại Ủy ban Khoa học Kỹ thuật hạt nhân ở 39 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Sau ngày 30/4/1975, ông Tứ trong một chuyến công tác vào Sài Gòn đã đi tìm ông Lan ở Sở Giáo dục nhưng không ai biết. Vì khi tập trung huấn luyện đi B, thời ấy ai cũng phải đổi tên nên tôi đã đổi tên thành Hoàng Lan, nên ông Tứ chỉ hỏi tìm Hoàng Dũng. Như thế mới thấy cái tình thầy trò của thầy Tứ thật hiếm có. “Và đó là cơ hội cuối cùng, tôi có thể làm đúng sở nguyện của mình, đã bị bỏ lỡ” – ông Hoàng Lan tâm sự.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Lan về tham gia tiếp quản ngành giáo dục cũ. Sau đó ông xin đi học khóa cao học đầu tiên tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai năm sau, ông được phân công giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP HCM cho đến khi nghỉ hưu. Những năm công tác ở Đại học Sư phạm TP HCM, biết Trường đại học Tổng hợp TP HCM chiêu sinh nghiên cứu sinh Vật lý, ông xin đi học ngay. Đây là khóa nghiên cứu sinh trong nước đầu tiên của Đại học Sư phạm TP HCM. Tuy nhiên, nhiều năm ở chiến trường khiến cho đầu óc ông “xơ cứng” nên ông đã dừng công việc nghiên cứu sau đó.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Lan tỏ ra ưu tư với ngành Vật lý và khoa học cơ bản. Ông ước gì Nhà nước đầu tư nhiều hơn cho ngành khoa học cơ bản để góp phần cho đất nước giàu mạnh.

Bản thân ông Hoàng Văn Hoa cũng từng là một người lính quân y, rồi chuyển ngành qua làm ở Đài Phát thanh Giải phóng ở Hà Nội. 60 năm tuổi Đảng, ông từng được phong tặng nhiều huy hiệu cao quý. Bản tính khiêm nhường, khi tôi đề nghị xin viết về ông, ông từ chối, nói mình không có công trạng gì đáng nói. Tôi hỏi ông: “Theo chú, phẩm chất gì là nổi bật trong gia tộc”. Ông nói: “Gia tộc tôi nhiều thế hệ đều sống thanh bạch, liêm khiết và cương trực. Tôi nghiệm thấy, trong dòng họ, sau cụ Hoàng Diệu, nhiều người đều đi dạy hoặc làm nghề y, để phụng sự xã hội”.Trong gia tộc của Tổng đốc Hoàng Diệu, noi gương và tiếp bước truyền thống hiếu học, trung nghĩa của tổ tiên, còn có rất nhiều người học giỏi, thành danh. Cũng có nhiều đóng góp cho đất nước ở nhiều lĩnh vực, từ khoa học, đến quân sự…

Chúng tôi hỏi ông Hoàng Văn Hoa: “Trong cuộc đời của cụ Hoàng Diệu, ông nhớ, ấn tượng  nhất điều gì?”. Vẻ mặt sáng lên nét tinh anh, hóm hỉnh, ông nói: “Sự nghiệp của cụ cố chúng tôi thì hầu như ai cũng biết, nhất là về cái chết can trường của cụ khi Hà thành thất thủ. Cái chết đó thôi thúc thêm lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân. Đó cũng là điều gây ấn tượng nhất với tôi. Thế giặc mạnh, tráo trở khôn lường, triều đình thì bạc nhược, hủ bại, cụ lâm cảnh “lực bất tòng tâm”, ngậm ngùi, đau xót nhìn cảnh thành mất, nhà tan… Như dự tính trước tình thế, trước khi tuẫn tiết, cụ có viết Biểu trần tình, gửi về cho Vua Tự Đức, bày tỏ lòng mình”.

Theo ông Hoa, ngoài Biểu trần tình, cụ Hoàng Diệu còn viết Bài ký Ngũ Hành Sơn, Lệnh cấm trừ tệ và một bài thơ thất ngôn bát cú Quá giang tức cảnh. Cho đến nay, toàn bộ tác phẩm văn thơ của cụ bị chiến tranh thiêu rụi, hoặc còn thất lạc đâu đó chưa thu thập được.

 Dòng máu văn thơ của gia tộc vẫn truyền lưu trong ông nên khi về hưu, ông tham gia Câu lạc bộ thơ Hàm Tử của quận 5. Thơ ông giản dị mà sâu lắng, ý nghĩa dồi dào. Trong tập thơ “Mười lăm năm” của CLB thơ Hàm Tử ông tặng tôi, vẫn là một tấm lòng trung trinh với đất nước ẩn hiện trong thơ ông: “Thời nô lệ đau lòng dân mất nước/ Ngót trăm năm tủi nhục với căm hờn/ Sông núi cắt chia, đau thương tang tóc… Nắng Ba Đình rạng ngời Thu Tháng Tám/ Hai Điện Biên “hoa đỏ” rực tên vàng…” (trích bài “Mốc son chói lọi”).

Khi chúng tôi đến gặp ông Hoa, biết chúng tôi là nhà báo, muốn viết bài về Tổng đốc Hoàng Diệu, ông Hoa đã gọi điện cho con trai là anh Hoàng Xuân Ninh, về nhà chơi. Giống cha mình, anh Hoàng Xuân Ninh – Trung tá, Trưởng Công an phường 7, quận 10, TP HCM, cũng tỏ ra rất khiêm tốn trước cả một bề dày của truyền thống gia đình, dòng họ.

Anh Ninh kể mình sinh ra ở Hà Nội. Tuổi ấu thơ của anh gắn bó nhiều với phố phường của Thủ đô văn hiến. Thuở nhỏ đi học qua con đường Hoàng Diệu, anh vẫn không biết đó là ông cố của mình. Sau này, lớn lên mới được nghe cha kể lại. Công tác trong lực lượng công an, anh vẫn tâm niệm noi gương tổ tiên, sống liêm khiết, trung thực. “Tấm gương của cụ Hoàng Diệu để lại cho tôi nhiều bài học quý báu, đó là sự trung thực, thẳng thắn, lo cho dân, bảo vệ dân, chống lại cái xấu, nêu cao tâm trung nghĩa…”.

Tôi hỏi chuyện anh về những ngày tháng làm việc trong lực lượng công an, đã bao giờ đứng trước thử thách, an nguy mà có thể phải đấu tranh đễ giữ được tâm nguyện với gia đình, dòng họ, với lực lượng, nhưng anh chỉ cười, bảo với tôi rằng “nghề nào cũng có những gian nguy của nó. Công việc mà anh…”.

Nhiều năm rồi, gia đình anh vẫn sống trong căn hộ chung cư, phía sau trụ sở của Công an phường 7, nơi anh công tác.

Nhiều thế hệ tiếp nối nhau, trong gia tộc này vẫn vẹn nguyên, sáng mãi tấm gương trung nghĩa và lòng yêu nước. Từ gương sáng cha ông, họ dũng cảm lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương khi đất nước bị giặc Pháp rồi giặc Mỹ xâm lược. Đó là câu chuyện về ông Hoàng Lan, hậu duệ đời thứ 6 của Tổng đốc Hoàng Diệu. Ông Lan từng tham gia chiến trường, từng sống với con trai của nhà văn Ngô Tất Tố trong chiến trường. Giữa lằn ranh sinh tử, họ đã có một câu chuyện thú vị về tình người.

Gắn liền với Tổng đốc Hoàng Diệu là di tích Cửa Bắc – Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long. Bên cạnh những giá trị khảo cổ học quý giá dưới lòng đất, chúng ta dễ dàng nhận ra điểm bị khoét sâu vào tường. Đó là chứng tích trận xâm lược bằng pháo của thực dân Pháp trong trận chiến xâm lược thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882 và sự phản kháng của quân dân ta.

Di tích Cửa Bắc

Trong cuộc chiến ấy, Tổng đốc Hoàng Diệu đã anh dũng chỉ huy quân dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ thành. Trong thế chiến đấu không cân sức, không chống cự nổi, thành Hà Nội thất thủ. Ông biết không thể chống cự được nữa nên đã vào hành cung viết tờ di biểu gửi vua Tự Đức rồi đến Võ Miếu lấy chiếc khăn chít đầu tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Hoàng Diệu đã nêu cao tinh thần yêu nước, ông là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ người Việt Nam noi theo.

Tại Di tích Cửa Bắc thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long, hàng năm, vào ngày 8 tháng 3 âm lịch diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Tổng đốc Hoàng Diệu và những người anh hùng nghĩa liệt đã chiến đấu, hy sinh, giữ thành Hà Nội, bảo vệ đất nước. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau, trân trọng giữ gìn những giá trị lịch sử quý báu và truyền thống anh hùng của cha ông.

Nguồn: Tổng hợp từ https://antg.cand.com.vn/

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN