Triển lãm: “Kinh đô mãi muôn đời” tại Hoàng Thành Thăng Long

08/10/2020

Kỷ niệm 1010 năm vua Lý Công uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, và đổi tên thành Thăng Long, vào ngày 9/10 tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội tổ chức triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” với trên 100 tài liệu hiện vật.

Dời đô – Quyết định lịch sử

Sau khi lên ngôi, nhận thấy thế đất hiểm trở, chật hẹp của Hoa Lư không còn phù hợp để cáng đáng vai trò là kinh đô của một đất nước thái bình, việc lớn đầu tiên Lý Thái Tổ nghĩ đến là dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La.

Chiếu dời đô được ban ra, vua tôi trên dưới một long đồng thuận di chuyển thiên đô ra thành Đại La. Tháng 7 năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), Lý Thải Tổ khởi sự dời đô ra thành Đại La.

Đoàn dời đô của nhà vua vừa đến đất Đại La, vua trông thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, bèn quyết định đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long. Bắt đầu từ đây, Hoàng Thành Thăng Long chính thức chở thành kinh đô của một nước độc lập, thống nhất.

Triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” nổi bật vai trò của vua Lý Công Uẩn trong quyết định dời đô tái hiện một bức tranh khái quát về kinh đô Thăng Long thời Lý, cũng như dòng chảy lịch sử của Thăng Long – Hà Nội trong 1010 năm.


Triển lãm gồm 3 chủ đề:

Chủ đề 1:

Triển lãm giới thiệu nét khái quát về đức vua Lý Công Uẩn (974-1028) – vị vua kiệt xuất trong lịch sử dân tộc, có vai trò quan trọng với quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Thăng Long). Ông sinh vào những năm cuối của nhà Đinh, khi trưởng thành giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình nhà Tiền Lê. Khi vua Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên ngô, lập nên Vương triều Lý. Sau khi lên ngôi tại Hoa Lư, Lý Thái Tổ đã có một quyết định mang tính thời đại, thể hiện nhận thức và tầm nhìn “Thiên niên kỷ” về tiền đồ phát triển của đất n­ước: Dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La.

Chủ đề 2:

Triển lãm giới thiệu những nét nổi bật của “Kinh đô Thăng Long”. Theo đó, sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn và triều đình nhà Lý bắt tay vào xây dựng kinh đô mới của đất nước Đại Cồ Việt (sau năm 1054 là Đại Việt). Diện mạo của kinh đô mới được định hình với trọng tâm là hệ thống cung điện trong khu Cấm thành (Long thành) phục vụ vương triều, với tòa điện Càn Nguyên ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, vương triều Lý xây dựng các vòng tường thành theo kiểu tam trùng thành quách; nhiều hệ thống công trình tâm linh được cho xây dựng tại kinh thành Thăng Long. Gần như xuyên suốt lịch sử nhà nước quân chủ của Việt Nam, tiếp nối thời Lý, đều lựa chọn Thăng Long làm kinh đô của đất nước. Điểm nhấn của chủ đề này là nội dung tái hiện lại hành trình dời đô qua các dòng sông từ Hoa Lư về Thăng Long của vua Lý Công Uẩn và triều đình nhà Lý vào năm 1010. Thủy trình được bắt đầu: từ tòa thành Nội tại Hoa Lư theo sông Sào Khê, ra sông Hoàng Long, rồi tiếp theo sông Hoàng Long ngược lên phía Bắc tiến vào sông Đáy tại ngã ba Gián Khẩu (Hà Nam), từ sông Đáy đoàn thuyền vua Lý Thái Tổ đi vào sông Châu (Hà Nam), rồi từ sông Châu ngược ra sông Hồng, theo sông Hồng về thành Đại La.

Chủ đề 3:

“Thủ đô Hà Nội” là chủ đề cuối cùng của Triển lãm. Tham quan nội dung trưng bày, du khách được hiểu sâu hơn về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Dấu mốc quan trọng khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn là Thủ đô nước Việt Nam độc lập. Giữ vững tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, Hà Nội tiên phong, cùng đất nước vượt qua những năm tháng gian khó của chiến tranh, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ năm 1946 – 1947, Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; năm 1954, các đoàn quân tiên phong của Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thủ đô. Từ đây, Hà Nội và miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam vì mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1972, Hà Nội – 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Năm 1975, Hà Nội và cả nước hân hoan trong niềm vui thống nhất đất nước. Từ năm 1976, Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam độc lập và thống nhất.

Triển lãm sẽ được khai mạc: 9h00, thứ 6 ngày 9/10/2020

Trân trọng kính mời du khách đến tham quan Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Triển lãm: “Kinh đô mãi muôn đời”.

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN