Phát hiện nhiều di tích, di vật mới tại Khu vực Chính điện Kính Thiên Hoàng Thành Thăng Long
07/04/2020
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO, chỉ đạo của UBNDTP Hà Nội và Quyết định số 2406/QĐ-BVHTTDL ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 990m2). Sau gần một năm khai quật thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã hoàn thiện “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2019”.
Kết quả cuộc khai quật năm 2019 có nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn về các di tích của thời Lê (Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng), có thêm tư liệu để khẳng định khu vực chính tâm của HTTL có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không hề đứt đoạn, từ thời Đại La, Đinh – Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê.
Phát hiện nhiều di tích, di vật từ thời tiền Thăng Long đến thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn.
Thời tiền Thăng Long
Khoảng thế kỷ 8-9, ở khu vực này có dấu tích kiến trúc thời Đại La (tiền Thăng Long) mà dấu tích chứng minh rất rõ là cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Lớp văn hóa này hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ. Như vậy trước thế kỷ 8-9, ở đây chưa hề có di tích nào.
Di vật thời này ít gồm gạch ngói của các giai đoạn TK3-4 đến 5-6, TK 7-9 và thời Đinh tiền Lê. Số lượng hiện vật rất ít, TK 3-6 là một số viên gạch bìa in hình hoa văn ô trám, TK7-9 có ngói âm dương màu xám, đầu ngói hoa sen và bát gốm men màu (thời Đường). Thời Đinh Tiền Lê là một số đầu ngói màu đỏ có hình cánh sen.
Thời Lý
Thời Lý ở hố đào 2017 và 2018 đã xuất hiện các móng cột được gia cố bằng sỏi. Tuy nhiên hố đào 2019 chỉ còn thấy chút ít nền sét nâu vàng thuần không có hiện vật. Có thể nhận thấy lớp sét vàng thời Lý tương tự như ở các khu vực khác đều chồng trực tiếp lên lớp văn hóa thời tiền Thăng Long. Tuy nhiên do sự phá hủy quá mạnh của các giai đoạn sau làm cho di tích thời Lý ở đây bị phá hủy.
Hiện vật thời Lý ở vị trí này cũng rất ít. có chân tảng đá cát, mảnh lá đề rồng cỡ lớn, mảnh mào tượng rồng cỡ lớn bằng đất nung. một số mảnh gạch lát nền hoa sen, hoa cúc.
Thời Trần
Sang thời Trần, khu vực này xuất lộ một con lạch nhỏ hình thành tự nhiên chảy theo hướng Đông Tây, dấu tích này đã cắt phá hầu hết các nền đất thời Lý và thời tiền Thăng Long nơi con lạch chạy qua. Ở phía Nam con lạch này có dấu tích kiến trúc cống nước ngầm, cống nước ngầm này chảy theo chiều Bắc Nam có xu hướng thoát nước xuống lạch nước này. Dấu tích nền móng thời Trần khá dày. Dấu tích kiến trúc Trần khá nhiều nhưng chỉ nhận rõ được 1 dấu tích kiến trúc có ống nước tròn, số còn lại dấu tích quá ít không thể nhận rõ được quy mô.
Số lượng hiện vật thời Trần khá nhiều: Gạch in chữ Vĩnh Ninh trường, gạch vuông, ngói sen, ngói mũi lá, gốm men nhiều loại của Việt Nam, một số ít của Trung Quốc.
Gạch vuông trang trí hoa chanh thời Trần
Thời Lê Sơ
Đến thời Lê Sơ con lạch này được lấp toàn bộ, đồng thời toàn bộ mặt bằng khu vực này được san lấp để xây dựng các kiến trúc móng tường, móng cột. Dấu tích san lấp nền móng thời Lê Sơ xuất hiện trên diện rộng, bao trùm hết cả khu vực hố khai quật.
Thời Lê Sơ và thời Mạc. Có nhiều mảnh ngói rồng tráng men vàng, men xanh. Gạch vồ (có viên có chữ), các chân tảng đá đặc trưng của thời Lê Sơ. Số lượng hiện vật thời này khá nhiều, đặc biệt dòng gốm hoa lam thời Lê – Mạc chiếm số lượng lớn (đồ gốm hoa lam vẽ rồng và hoa sen).
Thời Lê Trung Hưng
Thời Lê Trung Hưng có lớp móng nền có diện tích tương đồng với móng nền thời Lê Sơ, đồng thời mật độ xây dựng nhiều, có hệ thống kiến trúc có móng cột kích thước rất lớn và hệ thống sân vườn khá quy củ. Khoảng cuối thời Lê Trung Hưng sân vườn bị bỏ nhường chỗ cho hệ thống ao/ hồ được xây dựng to lớn công phu với hai tường bằng gạch vồ (lòng ao/hồ rộng 5m), đường nét uốn lượn, khá cầu kỳ.
Số lượng mảnh hiện vật thời Lê Trung Hưng khá nhiều : Gạch ngói, gạch hộp rỗng trang trí hoa cúc, các loại gốm men.
Đầu ngói trích thủy trang trí thời Lê Trung Hưng
Thời Nguyễn
Thời Nguyễn toàn bộ dấu tích nói trên được san lấp để xây dựng các kiến trúc thời Nguyễn. Lần đầu tiên dấu tích kiến trúc có móng cột thời Nguyễn xuất hiện ở khu vực điện Kính Thiên được xây dựng khá quy mô và cẩn thận.
Di vật thời Nguyễn là các loại gạch ngói vụn, một ít gốm sứ.
Giá trị nổi bật của đợt khai quật, nghiên cứu năm 2019
Hoàng Thành Thăng Long nói riêng và Kinh Thành Thăng Long nói chung là một khu di tích rộng lớn, phong phú và phức tạp, việc nhận diện kiến trúc của Hoàng Thành không thể một sớm một chiều mà phải trường kỳ, tỉ mỉ và từng bước. Mỗi một năm hai cơ quan nghiên cứu cùng giới khoa học lại nhận thức đầy đủ thêm một chút diện mạo di tích tại khu vực được khai quật. Các kết quả nghiên cứu năm 2019 đã đem lại thêm những nhận thức mới, giá trị nổi bật:
Thứ nhất:
Việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La đã chứng minh cho giả thiết khu vực trung tâm của thành Đại La vẫn là ở khu vực trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Nhận định này là quan trọng vì nó sẽ giúp ta tìm hiểu quy mô thành Đại La. Hiểu quy mô thành Đại La sẽ giúp ta tìm hiểu quy mô thành Thăng Long thời Lý.
Thứ hai:
Các kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê, thời Lý, thời Trần tiếp tục phân bố ở khu vực sau nền điện Kính Thiên, chứng tỏ tính chất trung tâm khá đồng đều trên toàn bộ các vị trí đã khai quật tại khu vực Trung tâm và cũng là tương đồng với toàn bộ khu vực 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng.
Thời Lý phát hiện di vật tượng rồng đất nung kích thước rất lớn (có phần lớn hơn tượng rồng ở khu 18 Hoàng Diệu) cho thấy có thể có kiến trúc có quy mô lớn, quan trọng thời Lý ở đây.
Thời Trần các dấu tích kiến trúc ở đây có quy mô nhỏ. Hiện tượng dấu vết cháy rất nhiều (than tro) gợi đến việc sử sách chép về các cuộc chiến tranh vào cuối thời Trần thế kỷ 14 khiến cho kinh thành bị cháy nhiều lần thành tro bụi.
Thứ ba: Thời Lê Sơ, thời Lê Trung Hưng, các dấu tích đã xuất lộ nhiều gợi lên nhiều giả thiết mới.
Thời Lê Sơ có 2 dấu tích bó nền, 1 dấu tích kiến trúc có móng cột. Các dấu tích này phản ánh thời Lê Sơ xây dựng ở đây nhiều công trình quan trọng (dấu tích đất nền màu gạch đỏ và dấu tích dải nền trang trí hoa chanh được gia cố rất cẩn thận). Kiến trúc có móng cột chạy theo hướng Bắc Nam có thể là kiến trúc kiểu hành lang tương tự dấu tích của kiến trúc hành lang ở phía Tây Đoan Môn đã phát hiện năm 2013-2014. Điều này gợi ý về không gian kiến trúc chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ ở phía sau nền điện Kính Thiên có phần thu hẹp lại hơn so với phần phía trước.
Thời Lê Trung Hưng hình thành tổ hợp kiến trúc có móng cột lớn phía Tây và kiến trúc sân vườn phía Đông. Kiến trúc có móng cột có khả năng là kiến trúc 5 gian 2 chái nằm trên trục Ngự đạo thẳng tới Đoan Môn- Kính Thiên. Rất có khả năng đây là kiến trúc “cổng” của một khu cung điện khác trong khu vực Trung tâm. Theo thư tịch cổ và bản đồ cổ thì sau khu chính điện Kính Thiên là khu điện Cần Chánh. Vậy nếu đúng đây là kiến trúc cổng thì đây là di tích đánh dấu sự bắt đầu của khu vực kiến trúc quan trọng thứ hai trên trục Trung tâm: Đó là khu vực điện Cần Chánh, nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung Hưng.
Tất nhiên, đây chỉ là giả thiết khoa học bước đầu. Trong tương lai, khi có điều kiện chúng ta sẽ kiểm chứng giả thiết này.
Cuộc khai quật năm 2019 đã phát hiện nhiều di tích mới gợi những nhận thức mới góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu Chính điện Kính Thiên, qua đó tiếp tục làm tăng thêm giá trị của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.
BÀI VIẾT KHÁC
LIÊN KẾT DI SẢN