Khai mạc trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” tại Hoàng Thành Thăng Long
24/05/2019
Đoan Ngọ là Tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Dân gian thường gọi là tết “giết sâu bọ”, đây được xem là tết kỳ lạ nhất của người Việt. Trong cung đình xưa, tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ tưởng nhớ các tiên tế, báo hiếu bậc sinh thành và ban quạt cho bách quan…
Tết Đoan ngọ có liên quan đến nông nghiệp và thời tiết. Tháng 5 là thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hạ, là lúc có dương khí mạnh nhất, thời tiết xấu nhất trong năm nên thường xuất hiện nhiều dịch bệnh. Vì vậy, con người luôn tìm mọi phương cách để phòng tránh dịch bệnh cho người, vật nuôi và cây trồng. Những cách thức ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành các phong tục và nghi lễ.
Ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của tết Đoan Ngọ là ngày “y dược toàn dân”. Ngoài ra, Tết cũng là dịp để người nông dân dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những sản phẩm trái cây đầu mùa với tấm lòng biết ơn và cầu mong mùa màng không bị sâu bọ phá hoại, con cháu khỏe mạnh, bình an.
Vào dịp Tết Đoan Ngọ, trong dân gian tại các gia đình thường thực hiện một số phong tục để diệt trừ “sâu bọ”.
Theo quan niệm xưa, khi thức dậy phải giết sâu bọ ngay vì thường ngày chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ vào ngày này mới ngoi lên và dùng thức ăn để trừ bỏ. Thường ăn rượu nếp, bánh ú tro…cho sâu bọ say, ăn trái cây có hương vị chua chát để sâu bọ chết, uống rượu hùng hoàng, xương bồ, nước dừa để tiêu độc. Trẻ em thường được bôi vôi hoặc rượu vào trán, thóp, rốn để trấn an; đeo bùa ngũ sắc, túi hạt mùi khô ở ngực, buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay và cổ chân; mặc áo dấu; nhuộm móng tay máng chân; xâu lỗ tai cho các bé gái; phụ nữ gội đầu lá thơm…Đúng giờ ngọ (11h-13h), thường đi hái ngải cứu, đinh lăng, ích mẫu, tía tô, vông, vối, sen, …về băm nhỏ, phơi khô làm thuốc chữa bệnh cho cả năm. Đặc biệt, dân gian còn lấy ngải kết hình con giáp treo trước cửa nhà tránh đau ốm và trừ tà. Ngoài ra, còn có các tục khảo cây, đổ bệnh cho cây và sêu tết…
Sáng nay, ngày 24/5/2019, tại Hoàng Thành Thăng Long đã Khai mạc Trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” với sự tham gia của các nghệ nhân, đại diện Hoàng Thành cùng các em học sinh.
Phong tục tập quán ngày Tết cổ truyền đã phần nào được thể hiện qua các hiện vật, những bức tranh điêu khắc, bộ sưu tập quạt tranh,…
Cũng trong buổi Khai mạc ngày hôm nay các em học sinh đã được tham gia rất nhiều trò chơi dân gian như Ô ăn quan, chơi chuyền, bịt mắt,…
Ngoài ra các em còn được trải nghiệm nặn tò he, làm quạt, làm diều,…
“Tết Đoan Ngọ xưa và nay” sẽ được trưng bày đến ngày 9/6/2019
Trò chơi dân gian sẽ được trưng bày đến 30/6/2019
Trân trọng Kính mời Quý khách đến tham quan Hoàng Thành và hòa vào không khí Tết Đoan Ngọ tại Hoàng Thành.
Một số hoạt động đặc biệt, cần đăng ký trước để Ban tổ chức sắp xếp lịch biểu diễn:
– Biểu diễn Múa rối nước; Hoạt cảnh Lễ Ban quạt.
– Giao lưu cùng các nghệ nhân: Nghệ nhân làm quạt Lân Tuyết, Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, Nghệ nhân làm thuốc nam Tuyết Mai.
Thông tin liên hệ:
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội
Địa chỉ: Số 19C Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
ĐT: 024. 3 7345427.
Hotline: 0913.012.021; 0904.386.156.
BÀI VIẾT KHÁC
LIÊN KẾT DI SẢN