Nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Hoàng Thành Thăng Long nhân dịp 30/4 – 1/5/2019

22/04/2019

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019) và ngày quốc tế Lao động 1-5, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn múa rối nước phục vụ nhân dân và khách tham quan, góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản.

1.Triển lãm “Mùa xuân năm 1975: Từ Tổng Hành Dinh đến Dinh Độc Lập”

Triển lãm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giới thiệu đến du khách về hai di tích tiêu biểu, nơi từng là “bộ não” chỉ huy quan trọng nhất trong giai đoạn 1968-1975.

Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) – là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.Từ Tổng Hành dinh, những mệnh lệnh chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương được gửi đến toàn quân, biến thành hành động cách mạng, thành sức mạnh đoàn kết, làm nên chiến thắng trên khắp các chiến trường.

Dinh Độc Lập không chỉ là đầu não của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà còn là nơi hội tụ của các đoàn quân giải phóng, trở thành điểm hẹn chiến thắng, nơi lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên vào thời khắc 11h30 phút ngày 30/4/1975, ghi dấu ngày thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ Tổng Hành dinh đến Dinh Độc Lập còn là hành trình dài hơn 20 năm đấu tranh cho độc lập tự do, thống nhất đất nước; là cuộc kháng chiến gian khổ đã toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối.

Thông qua 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, triển lãm giới thiệu 03 chủ đề chính: 1- Di tích Nhà, Hầm D67 – Dinh Độc lập; 2- Mùa xuân 1975: Từ Tổng Hành dinh đến Dinh Độc lập; 3- Hòa chung niềm vui chiến thắng tại Sài Gòn và thủ đô Hà Nội vào thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975.

Triển lãm mở của đón khách tham quan từ ngày 25/4/2019 đến hết ngày 31/5/2019.

2.Triển lãm “Nghi lễ ban thưởng trong kỳ thi Đình thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long”.

Thi Đình là kỳ thi cao nhất trong hệ thống khoa cử Nho học Việt Nam, được tổ chức tại sân rồng Điện Kính Thiên – Hoàng Thành Thăng Long. Đây là kỳ thi quan trọng nhất do nhà vua trực tiếp ra đề, chấm thi và lấy đỗ.

Sau kỳ thi Đình, những người đỗ đạt được vua ban cho nhiều nghi lễ long trọng như: lễ xướng danh và yết bảng; lễ ban mũ, áo, ban cành hoa bạc; lễ ban yến; thăm vườn thượng uyển, lễ lạy tạ vinh quy và khắc bia tiến sĩ trong Quốc Tử Giám để lưu truyền muôn đời.

Tiếp nối các nội dung trưng bày về Thi Đình từ năm 2018, chủ đề trưng bày năm nay tập trung giới thiệu những nghi thức ban thưởng của nhà vua dành cho các vị đạikhoa, nhằm đề cao việc học hành thi cử, truyền thống hiếu học và trọng dụng nhân tài của cha ông ta xưa kia.

Trưng bày giới thiệu một số hiện vật phục chế liên quan đến thi cử nói chung và thi Đình nói riêng như: Lầu chõng  của thí sinh đi thi, Bảng đề danh người đỗ kỳ thi Đình; Lọng dùng trong lễ vinh quy; Biển vinh quy; Bút lông, nghiên mực, giá treo bút; Ống quyển, giấy thi, sách dùng để ôn thi; Tráp đựng đồ dùng, quần áo của thí sinh đi thi; Hòm đựng sách, tài liệu học tập của thí sinh… Đặc biệt là hiện vật bộ cáng cổ được các nhà chuyên môn xác định thuộc thế kỷ XVII. Đây là hiện vật gốc liên quan đến bà Lê Thị Ngọc Tự – Cung Tần trong Hoàng cung thời Lê, do gia đình cụ Nguyễn Duy Oánh (xã Dị Nậu, Thạch Thất – Hà Nội) lưu giữ. Võng cáng là loại phương tiện dùng cho các bậc quyền quý, có thể giúp người xem hình dung về một phương tiện tương tự dùng trong nghi lễ vinh quy bái tổ, gợi nhớ hình ảnh quen thuộc “võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Hiện vật sẽ được trưng bày trong khoảng thời gian một tháng (25/4/2019 – 25/5/2019) tại Hoàng Thành Thăng Long.

3. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật truyền thống và giáo dục di sản:

Lịch biểu diễn múa rối nước:

Ngày 30/4 và 1/5/2019: vào lúc 10h00 và 15h00.

Nhân dịp này, khu di sản còn bố trí nhiều khu vui chơi, tương tác và mở cửatự do phòng khám phá “Em làm nhà khảo cổ” tại khu di tích 18 Hoàng Diệu để phục vụ các em thiếu nhi.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN