Tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử Hầm 59 và Hầm 66

08/11/2018

Ngày 8/11/2018, tại Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức: “Tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử Hầm 59 & Hầm 66 tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”. Đây là buổi gặp gỡ giữa các nhân chứng, các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử quân sự và bảo tồn – bảo tàng để trao đổi, thu thập thông tin về Hầm 59 và Hầm 66, nhằm bổ sung các nguồn tư liệu và chia sẻ phương án bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị hai căn hầm này.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đại diện Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu- bộ Quốc phòng; Cục Cơ yếu – Bộ Tổng Tham mưu; Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; các nhà khoa học thành viên Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội; Ban Tổng kết lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc; Phòng khoa học quân sự Binh chủng Công binh; Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa. Đặc biệt sự có mặt của hơn 30 nhân chứng lịch sử, các bác, các cô chú đã từng công tác, làm việc tại hai căn hầm 59 và 66.

`Trong khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, ngoài những dấu tích kiến trúc cổ xưa của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… còn có một số di tích cách mạng ghi dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước như Nhà và hầm D67, hầm chỉ huy Cục tác chiến, hầm 59, hầm 66…

Hầm 59 và 66 được xây dựng ở phía Bắc nền Điện Kính Thiên trong khu A Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng (nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan của Bộ Quốc phòng: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần, Cục cơ yếu…). Đây là nơi các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng làm việc trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, những quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng thắng lợi hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1973. Và đỉnh cao là sự chỉ đạo thắng lợi trận Điện Biên phủ trên không từ ngày 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972. Hai căn hầm 59 và 66 còn là nơi thực hiện những mệnh lệnh phối hợp tác chiến nhằm chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Các nhân chứng lịch sử trở lại thăm căn hầm

Nhằm bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị các di tích Cách mạng trong di sản Hoàng thành Thăng Long, năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội triển khai các kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về các di tích cách mạng, đặc biệt các nguồn tư liệu về hai căn hầm 59 và 66. Kết quả đã liên hệ với các đơn vị như Cục Cơ yếu, Văn phòng Bộ Quốc phòng đề nghị cung cấp hiện vật để phát huy giá trị Hầm 66 và Hầm 59; liên hệ, gặp gỡ một số nhân chứng làm việc tại Hầm 59 liên tục 12 ngày đêm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và hơn 20 nhân chứng là các cán bộ cơ yếu làm việc tại Hầm 66 trong thời gian từ năm 1967-1991.

Ban Tổ chức đã nhận được 12 tham luận của các nhà quản lý trong quân đội, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử cùng nghiên cứu, đánh giá về giá trị của hai căn hầm 59 và 66. Các bài viết tập trung vào 3 vấn đề chính:

  • Vấn đề thứ nhất: Vai trò của cơ quan Tổng hành dinh và hệ thống các công trình hầm ngầm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (đặc biệt năm 1972);
  • Vấn đề thứ hai: Chia sẻ của các nhân chứng lịch sử về Hầm 59 và Hầm 66;
  • Vấn đề thứ ba: Chia sẻ phát huy giá trị các căn hầm tại Hoàng thành Thăng Long.

Các bài tham luận đều khẳng định những căn hầm trong khu vực D67 nói chung và hai căn hầm 59 và 66 có giá trị lịch sử vô cùng lớn lao, là chứng tích của một thời lịch sử hào hùng của dân tộc cần phải bảo vệ và gìn giữ cho các thế hệ. Cần phải nghiên cứu, xây dựng một dự án tổng thể về công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật gốc, nhằm làm nổi bật, phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Tại Tọa đàm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham…, các nhân chứng lịch giúp đỡ, cung cấp tư liệu và hiện vật, cùng tham gia vào công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật trưng bày bổ sung, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại Hoàng thành Thăng Long nói chung và hai căn Hầm 59 và 66 nói riêng. Đồng thời tiếp tục đề xuất các định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, vừa bảo tồn di tích cổ xưa và bảo tồn phát huy giá trị di tích Cách mạng kháng chiến một cách hài hòa (như lời cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước căn hầm 66.

Việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hiện vật liên quan đến hai căn hầm này là cơ sở để từng bước tiến tới phục dựng nguyên trạng và mở cửa căn hầm phục vụ khách tham quan. Trung tâm cũng xác định đây là một lộ trình lâu dài, thận trọng, kỹ càng và cần sự hợp tác giúp đỡ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đặc biệt sự hỗ trợ cung câp thông tin, tư liệu của Bộ quốc phòng và các nhân chứng.

Bùi Thị Thu Phương

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN