Tọa đàm khoa học quốc tế “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị DS thế giới HTTL”

06/09/2018

Ngày 6/9/2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “ Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”. Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã gắn bó nhiều năm với di sản Hoàng thành Thăng Long.

Các đại biểu thảo luận

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công  nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 2010. Đây là khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1000 năm, với các tầng văn hóa đa dạng, phong phú.

Sau 8 năm được UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới, khu di sản Hoàng thànhThăng Long đã có những bước tiến về công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khai quật khảo cổ để làm sáng rõ hơn nữa các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của Thăng Long – Hà Nội còn ẩn sâu trong lòng đất.

Những kết quả đó được chia sẻ trong tọa đàm lần này nhằm tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tiếp cận liên ngành, đa ngành trong công tác nghiên cứu và đưa ra những định hướng nghiên cứu trong thời gian tiếp theo.

Ban tổ chức đã nhận được 11 bài tham luận theo ba chủ đề chính về kết quả nghiên cứu dấu tích kiến trúc khảo cổ học, cùng quá trình nghiên cứu bảo tồn di tích, bảo quản di vật tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và công tác phát huy giá trị di sản. Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều kiến giải khoa học liên quan đến nhận diện tổng thể mặt bằng cũng như các kiến trúc cung điện trong khu vực Trung tâm Cấm thành và Chính điện Kính Thiên, thông qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học trong những năm qua.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam), sau 7 năm tiếp tục mở rộng nghiên cứu khảo cổ theo khuyến nghị của UNESCO, nhất là khai quật trục Trung tâm chính điện Kính Thiên, Trung tâm đã thu được nhiều kết quả khả quan, từng bước nhận diện các dấu tích kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long; xác định được các tầng văn hóa liên tục từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn tương tự như ở khu 18 Hoàng Diệu; Đặc biệt là phát hiện được dấu tích kiến trúc đường nước lớn của thời Lý trong khu vực này, cũng như xác định được một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng gồm Ngự đạo, sân Đan Trì, móng kiến trúc hành lang bao quanh…Tuy nhiên, do diện tích khai quật chưa đủ rộng để nhìn nhận toàn bộ không gian này một cách cụ thể, quy mô chính điện Kính Thiên, cấu trúc mặt bằng của chính điện Kính thiên cũng chưa được làm rõ.

TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho rằng, kết quả nghiên cứu khảo cổ trong thời gian qua đã đưa ra những nhận thức rõ hơn về giai đoạn Lý – Trần ở khu vực Điện Kính Thiên, đặc biệt là xác định rõ hơn về giai đoạn Lê sơ và Lê Trung hưng với những dấu tích kiến trúc quan trọng, có quy mô lớn và quy hoạch quy củ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu khảo cổ thì địa tầng rất quan trọng, cần làm rõ các tầng văn hóa chồng xếp, liên tục và cả lớp Đại La phía dưới.

Đại diện phái đoàn vùng Wallonie, Bruxelles (Bỉ) phát biểu tại tọa đàm

PGS. TS Bùi Minh Trí ( Viện Nghiên cứu Kinh thành) cũng đặt ra nhiều câu hỏi, đây cũng chính là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời như: Đâu là trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long, Hoàng thành Thăng Long có đa trục trung tâm không, nhận diện trục chính, trục phụ như thế nào, hay là nhận diện kiến trúc phải nghiên cứu cả không gian chung của khu vực phân bố kiến trúc, trong mối liên hệ với các kiến trúc xung quanh.

Ở chủ đề 2 của tọa đàm, liên quan đến kỹ thuật bảo tồn, bảo quản di tích di vật, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đưa ra những nghiên cứu về sử dụng một loại vật liệu thân thiện môi trường ( Feather Keatin) trong xử lý bảo quản hiện vật gỗ tại Hoàng thành Thăng Long. Một số kết quả hợp tác giữa Trung tâm với các chuyên gia Bỉ về đánh giá tác động môi trường khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu cũng được trình bày. Trong đó đã đưa ra một số kiến nghị về giải pháp nhằm hạn chế tác động của môi trường đến di tích như : tăng cường giữ độ ẩm trong đất, đặc biệt giữ độ ẩm bề mặt di tích trong giới hạn ổn định ( trên 35% và dưới 70%); hạn chế ánh nắng mặt trời trực tiếp và đảm bảo điều kiện ánh sáng ổn định; nghiên cứu sử dụng thí điểm các loại hóa chất để hạn chế sự phát triển của thảm thực vật và nấm mốc; hạn chế các biện pháp bảo quản thủ công để tránh ảnh hưởng đến di tích, di vật.

Về công tác phát huy giá trị di sản, các tham luận đã đề cập đến những kết quả phát huy di sản thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản. Đặc biệt nhấn mạnh đến các chương trình giáo dục di sản, đưa di sản tiếp cận công chúng, tiếp cận trường học và thế hệ trẻ.

Nhận xét về vấn đề này, PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng: giáo dục di sản, giáo dục cộng đồng là một hợp phần quan trọng trong bảo tồn di sản và đồng tình với cách tiếp cận phương pháp giáo dục di sản hiện nay của Trung tâm, gắn dạy học và khám phá, dạy học bằng trải nghiệm và giáo dục bằng tương tác, giúp học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di sản.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thành (Cục phó Cục Di sản văn hóa) đề nghị Trung tâm bên cạnh việc tập trung nghiên cứu khai quật khảo cổ cần lưu ý một số vấn đề như: hệ thống hóa các tư liệu nghiên cứu khảo cổ học từ trước đến nay, xây dựng định hướng cơ bản trong nghiên cứu để có kết quả rõ nét và quan tâm đầu tư công tác bảo tồn lâu dài các di tích khảo cổ.

Tổng kết tọa đàm, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản  Văn hóa quốc gia) phát biểu chỉ rõ, Trung tâm cần tiếp tục nghiên cứu khảo cổ để xác định vị trí Trục trung tâm thời Lý -Trần và làm rõ những vấn đề còn tranh luận. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác liên ngành trong nghiên cứu, tập trung nghiên cứu khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên để phục vụ mục tiêu phục dựng Điện Kính Thiên trong tương lai; tham khảo nghiên cứu các kiến trúc bát giác của các nước Đông Á, kết hợp thực tế khai quật ở 18 Hoàng Diệu để tìm cơ sở xác định Trục trung tâm thời Lý- Trần. Đồng thời cần khảo sát, thử nghiệm kỹ phương án sử dụng vật liệu thân thiện  môi trường trước khi đưa vào sử dụng cho các di tích, di vật tại Hoàng thành Thăng Long; tiếp tục nghiên cứu bảo quản hiện vật gỗ trong điều kiện khí hậu hiện nay và đưa ra kế hoạch phù hợp để bảo tồn lâu dài di sản.

Kim Yến
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN