Tái hiện nghi lễ “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

07/06/2024

Tết Đoan Ngọ là một trong những tết cổ truyền của người Việt diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm với nhiều phong tục độc đáo. Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, cách thức khác nhau nhưng đều là dịp để con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông, cầu sức khỏe, bình an, cầu mùa màng bội thu. Nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc và phát huy giá trị văn hóa cung đình xưa. Sáng ngày 06/6/2024 tại nền Điện Kính Thiên trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức sự kiện với chủ đề “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” nhân dịp tết Đoan Ngọ năm Giáp Thìn 2024.

Sự kiện là một chuỗi những hoạt động: Trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, thực hành hai nghi lễ đặc sắc ngày Tết Đoan Ngọ của cung đình xưa (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt) và trình diễn, giao lưu nghệ thuật thưởng trà. Đoan Ngọ nghĩa là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm. Để chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh, người Việt xưa có nhiều kinh nghiệm độc đáo như: tục ăn trái cây, ăn bánh tro, ăn cơm rượu nếp, uống rượu hùng hoàng, xương bồ để “giết sâu bọ” trong người vào lúc sáng sớm; tục hái thảo mộc làm thuốc và làm trà vào giờ ngọ; tục đeo chỉ ngũ sắc, đeo túi thơm có đựng hạt mùi, bột hùng hoàng để xua đuổi côn trùng… Những phong tục này được tái hiện lại một cách chân thực và dung dị thông qua không gian thờ cúng và không gian trưng bày các loại thảo mộc, các loại túi thơm. Khu trưng bày đã làm gợi nhớ đến hình ảnh 2 khu phố cổ quen thuộc là Thuốc bắc và Hàng Mụn. Vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ xưa, người dân kinh thành Thăng Long lại nhộn nhịp đi mua chỉ ngũ sắc, túi thơm trên phố Hàng Mụn về đeo cho trẻ con; đi mua lá thảo mộc về làm trà đun nước uống hàng, mua thảo dược về phòng bệnh…

Bên cạnh không gian trưng bày các phong tục dân gian truyền thống, các nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt trong cung đình cũng được diễn giải qua tranh vẽ và mô hình hiện vật phỏng dựng. Gian trưng bày một số loại quạt phỏng dựng của tầng lớp vua quan quí tộc và các loại quạt thông thường của người dân, đã giúp cho du khách có cái nhìn rõ hơn về văn hóa sử dụng quạt của người xưa

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN