Tết Việt 2024 tại Hoàng thành Thăng Long

30/01/2024

Tết Nguyên đán là tết lớn nhất và thiêng liêng liêng nhất trong năm của dân tộc ta, còn được gọi là “tết cả”, “tết ta” hay “tết âm lịch” để phân biệt với tết dương lịch của phương Tây. Tết Nguyên đán là tết đầu tiên mở đầu của một năm, đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là lúc khép lại những việc đã trải qua trong năm cũ và chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới với  nhiều nghi lễ phong tục diễn ra ở chốn cung đình cũng như trong dân gian. Mọi công việc đều tạm ngưng để dành cho việc tế tự tổ tiên cùng các vị thần, nghỉ ngơi, sum họp, thăm hỏi chúc tụng người thân và mong ước hi vọng về những điều may mắn, tốt đẹp…

Có thể nói tết Nguyên đán là một trong những lễ tiết có nhiều phong tục độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của người Việt trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, tại mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, văn hóa tết Nguyên đán lại càng phong phú và đặc sắc, nơi đây là sự hội tụ và giao thoa giữa nền văn hóa cung đình và văn hóa dân gian truyền thống.

Để phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức Chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ ngày 20/1/2024 (Mùng 10 tháng Chạp năm Quí Mão)  đến Ngày 18/2/2024 ( Mùng 9 Tháng Giêng năm Giáp Thìn) bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc:

Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống

Tết Nguyên đán dân gian truyền thống được trưng bày thông qua việc tái hiện không gian sinh hoạt ngày tết của một gia đình thị dân ở kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh tết, câu đối tết, đốt pháo tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, thú chơi hoa tết… Không gian trưng bày cổ kính, mang đậm dấu ấn của văn hóa, kiến trúc phố phường đất kinh kỳ xưa.

Không gian phong tục tết truyền thống thể hiện không khí tất bật, hối hả của những ngày cuối năm: đi chợ tết mua sắm thực phẩm, lau dọn, trang hoàng bàn thờ gia tiên và nhà cửa, gói bánh chưng, làm giò, làm mứt… Trong mọi gia đình đều có chung một khí thế phấn khởi chuẩn bị cho một cái tết sung túc, đủ đầy.

Chương trình Tết Nguyên Đán tại Hoàng Thành Thăng Long

Trong các loại hình nghệ thuật dân gian, múa rối nước là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc biệt độc đáo của Việt Nam. Vậy nên, trong vở diễn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam giới thiệu khái quát về lịch sử của kinh thành Thăng Long, tái hiện lại những nét văn hóa đặc trưng, những kiến trúc cổ được thể hiện qua hình tượng các linh vật như: rồng, phượng, rùa vàng… Những con rối tuy được làm bằng gỗ nhưng với sự thông minh cùng đôi tay khéo léo sáng tạo của người nghệ sĩ, những con rối gỗ trở nên vô cùng ngộ nghĩnh tươi tắn và sinh động khiến cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn.

Tết Giáp Thìn 2024, Hoàng Thành Thăng Long mang đến những tiết mục múa rối thú vị vào ngày mùng 2/3/4/5 Tết vào các khung giờ từ sáng đến chiều cho du khách lựa chọn.

BÀI VIẾT KHÁC

LIÊN KẾT DI SẢN